Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội tổ chức lễ hợp long cầu chính vượt dòng chủ sông Hồng thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 vào sáng nay (30/5).
Phát biểu tại lễ hợp long, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: Việc hợp long cầu chính vượt dòng chủ sông Hồng ngày hôm nay đánh dấu một mốc sự kiện quan trọng của công trình đó là cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 sẽ được nối liền giữa hai phần dầm cầu đúc hẫng bờ phía quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên, hoàn thành công tác thi công dầm chính vượt sông Hồng và hoàn chỉnh công tác thi công cầu toàn tuyến từ bờ hữu sông Hồng sang bờ tả sông Hồng.
Các đại biểu thực hiện nghi thức hợp long cầu chính vượt dòng chủ sông Hồng thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2. Ảnh: Tạ Hải
Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 được khởi công ngày 9/1/2021 với quy mô thiết kế về kết cấu, hình dáng tương tự cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1, với tổng chiều dài 3.473m, mặt cắt ngang cầu 19,25m. Tổng mức đầu tư của dự án là 2.538 tỷ đồng.
"Sau khi hoàn thành đổ bê tông khối hợp long cuối cùng cầu chính vượt dòng chủ sông Hồng, nối liền hai đầu cầu giai đoạn 2 phía Hai Bà Trưng và Long Biên bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn và hiệu quả, Ban quản lý dự án và các nhà thầu sẽ tập trung thực hiện các công việc còn lại để thông xe đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 2/9/2023 và hoàn thiện tổ chức giao thông đồng bộ toàn dự án (kể cả giai đoạn 1) xong trước ngày 10/10/2023 để chính thức lưu thông mỗi bên 4 làn xe, trong đó 3 làn xe ô tô, 1 làn xe hỗn hợp (xe máy và xe thô sơ)", ông Cường nhấn mạnh.
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng VN (Vinaconex), đại diện các nhà thầu tham gia dự án cho hay, trong quá trình triển khai, dự án gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài, điều kiện địa chất và thuỷ văn sông Hồng phức tạp. Ngoài ra, việc vừa phải bảo đảm thi công đúng tiến độ, kế hoạch, vừa phải bảo đảm an toàn khai thác đường bộ cầu Vĩnh Tuy hiện tại và đường thuỷ sông Hồng đoạn qua dự án là một trong các áp lực lớn đối với các nhà thầu.
Trước những khó khăn trên, liên danh Vinaconex - Trung Chính cùng các nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết từng tuần, tháng, quý, dồn mọi nguồn lực tận dụng tối đa điều kiện thời tiết trong những lúc thuận lợi để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án; áp dụng các công nghệ và giải pháp thi công tiên tiến nhất, huy động nhiều chủng loại máy móc, thiết bị hiện đại nhất cùng hàng trăm cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trình độ cao để bảo đảm yêu cầu thi công “3 ca, 4 kíp” không kể ngày đêm.
Với việc dự án được thực hiện bởi 100% kỹ sư và công nhân người Việt Nam, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ thi công mới để giảm thời gian khoảng 1,5 năm so với xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 đã chứng minh năng lực, chuyên môn vượt bậc của các kỹ sư, công nhân tham gia dự án, đem lại những bài học kinh nghiệm mang tính đột phá cho các các nhà thầu trong việc tổ chức thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần bảo đảm hiệu quả thực hiện dự án đầu tư công.
Toàn cảnh dự án cầu Vĩnh Tuy 2 sắp về đích
Sau khi hoàn thành công tác hợp long cầu chính, ông Dương Đức Tuấn yêu cầu Ban quản lý dự án tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực, tài chính khẩn trương tổ chức thi công các hạng mục công việc còn lại để thông xe cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 trước ngày 2/9/2023.
Đồng thời sau khi giai đoạn 2 đưa vào sử dụng phải tổ chức lại giao thông, lắp dải phân cách biên, sơn kẻ tổ chức giao thông cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1 để đồng bộ tổ chức giao thông toàn dự án, xong trước ngày 10/10/2023”, Phó chủ tịch Dương Đức Tuấn yêu cầu.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý, khi công trình cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 đưa vào sử dụng, áp lực giao thông sẽ đổ dồn về nút Ngã Tư Sở.
Vì vậy để hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại vị trí nút giao Ngã Tư Sở, tạo sự thông suốt và thuận lợi cho người dân và phương tiện khi lưu thông qua nút, giảm chi phí và thời gian chờ đợi do ùn tắc giao thông, đồng thời góp phần từng bước giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị và hình thành hạ tầng giao thông khung.
UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với 2 dự án. Thứ nhất là nghiên cứu tổng thể nút giao Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi để có giải pháp thiết kế cầu vượt liên thông các hướng cho phù hợp. Thứ hai là mở rộng đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy theo quy hoạch với chiều rộng từ 53,5 - 60m.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận