Theo báo cáo của UBND huyện Quốc Oai, diện tích canh tác, thủy sản bị ngập, thiệt hại là 988,7ha. Trong đó, có 588ha lúa, 110ha rau màu, 50,7ha cây ăn quả, 240ha thủy sản gây ảnh hưởng trực tiếp cho 180 hộ với 761 nhân khẩu.
Đến sáng 1/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai đã rút lệnh báo động lũ cấp 3 trên sông Tích. Đến nay, cơ bản cả 5 xã đã ổn định, người dân quay trở lại đời sống sinh hoạt bình thường.
Để hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng, huyện Quốc Oai đã huy động trên 400 người thuộc Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công ty Môi trường Xuân Mai, Trung tâm Y tế huyện, nhân dân địa phương... làm các nhiệm vụ khơi thông cống rãnh, trục vớt rác trôi nổi tại các điểm ngập trũng, đọng nước, thu gom rác thải, phế thải tới điểm tập kết.
Lực lượng cán bộ y tế cơ sở cũng đã tổ chức phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột phòng chống dịch bệnh. Tổng số rác thu gom trong ngày 1/8 đã vận chuyển đi khoảng 37 tấn rác các loại tập trung tại các xã Tuyết Nghĩa, Cấn Hữu, Liệp Tuyết; Ngọc Liệp…; phun tiêu độc khử trùng cho trên 3.000m2 diện tích đường ngõ xóm, trường học, nhà văn hóa... và cấp phát 10kg thuốc sát trùng Cloramin B phòng chống dịch bệnh cho các hộ dân trong vùng bị ngập.
Với phương châm nước đến đâu vệ sinh đến đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện tổng vệ sinh môi trường sau khi nước rút, bao gồm thu gom rác, vệ sinh tiêu độc đến đó cộng với phun thuốc khử trùng để đảm bảo đời sống cho nhân dân.
Lực lượng chức năng cũng tổ chức tuyên truyền, huy động người dân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, đặc biệt là vệ sinh các khu vực chuồng trại chăn nuôi tại các hộ gia đình.
Hướng dẫn người dân sửa chữa các giếng nước, bể chứa và khử trùng để chủ động về nguồn nước đảm bảo vệ sinh phục vụ sinh hoạt và hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống kênh mương để có giải pháp xử lý các tuyến đê xung yếu như tuyến đê Đồng Lọng, Khoang Lươn, xã Đông Yên (chắn lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về); đê Minh Khai, đê Đồng Giáp xã Cấn Hữu, đê Khoang Ông xã Hòa Thạch, đê Phú Bàn, xã Phú Cát...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận