Đô thị

Hà Nội: Khi nào mới có vé liên thông đi tàu điện, xe buýt?

02/03/2023, 06:28

Nhiều năm trước, Hà Nội đã lên kế hoạch năm 2019 sẽ có thẻ vé liên thông các loại hình vận tải công cộng.

Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn phải dùng nhiều loại vé khác nhau với mỗi loại phương tiện.

Lùi đi, lùi lại

Sáng 22/2, có mặt trên tuyến buýt số 01 lộ trình Bến xe Yên Nghĩa - Bến xe Gia Lâm lúc 8h45, PV ghi nhận ở điểm dừng đoạn Đại học Kiến Trúc Hà Nội có khoảng 7 - 8 hành khách lên rồi đứng chờ mua vé hoặc xuất trình vé tháng.

Quy trình này mất hàng chục phút, hành khách và phụ xe đều đứng khi xe đang chạy. Đây cũng là quy trình hoạt động của hàng trăm tuyến buýt khác trên địa bàn TP.

img

Hệ thống vé điện tử hiện mới áp dụng cho tuyến metro Cát Linh - Hà Đông và thí điểm 9 tuyến xe buýt điện, hành khách vẫn phải mua vé cho mỗi loại hình phương tiện sử dụng. Ảnh: Tạ Hải

Chị Vũ Phương Trà (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, do làm du lịch nên chị có điều kiện đi nhiều nước trên thế giới.

Tại Anh, Hàn Quốc, Singapore… vé liên thông dành cho phương tiện công cộng gồm xe buýt và tàu điện ngầm được sử dụng rất phổ biến.

“Tại tất cả trạm xe buýt và ga tàu điện ngầm đều có máy nạp tiền, người dân có thể dễ dàng sử dụng thẻ vé điện tử mọi lúc, mọi nơi. Tùy quãng đường mà số tiền sẽ được trừ trực tiếp qua thẻ, thậm chí người dân có thể dùng thẻ này để mua đồ ở cửa hàng tiện lợi.

Nhiều ngân hàng lớn phát hành thẻ Visa, Master và tích hợp luôn cả chức năng có thể thanh toán khi sử dụng phương tiện công cộng, tức là có thể đi được cả xe buýt và tàu điện ngầm”, chị Trà kể.

Theo một chuyên gia về vận tải hành khách công cộng, hiện cơ cấu vé lượt tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được áp dụng theo cự ly di chuyển.

Tuy nhiên, vé lượt xe buýt hiện nay vẫn sử dụng vé giấy nên mới chỉ dừng lại ở hình thức giá vé lượt đồng hạng. Hành khách dù đi một đoạn hay đi cả tuyến đều phải trả một mức giá như nhau.

“Số lượng tuyến buýt có cự ly dài trên 30km thời gian qua ngày một tăng lên khi triển khai việc mở rộng vùng phục vụ tới các khu vực ngoại thành (hiện nay có 27 tuyến), số tuyến buýt có cự ly trên 40km lên tới 9 tuyến, số tuyến buýt có cự ly trên 50km là 4 tuyến, cự ly trên 60km là 2 tuyến. Mặc dù cự ly tuyến là khá lớn nhưng hiện nay vẫn chỉ áp dụng chung với giá vé lượt đối với tuyến có cự ly trên 30km, điều này là chưa hợp lý. Vé tháng có giá trị sử dụng trong tháng, không giới hạn lượt đi nên chưa công bằng với người sử dụng”, vị này nói.

Theo kế hoạch, trong năm 2019, Hà Nội sẽ có thẻ vé liên thông các loại hình vận tải công cộng. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch được lùi lại sang năm 2020, 2021. Và đến thời điểm này, kế hoạch vẫn chỉ ở trên giấy.

Thuận tiện nhưng 2 năm nữa mới triển khai

Bà Trần Thị Phương Thảo, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho biết, hệ thống vé điện tử hiện nay được áp dụng cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và thí điểm 9 tuyến xe buýt điện.

Tuy nhiên, hệ thống thu soát vé tự động (AFC) của các loại hình hiện được thiết kế và xây dựng bởi các nhà thầu khác nhau, áp dụng các công nghệ thẻ vé khác nhau, không có chuẩn dữ liệu chung nên chưa thể liên thông được.

“Dữ liệu của các tuyến hiện rất rời rạc, chưa hình thành dữ liệu tập trung, chưa hình thành trung tâm quản trị hệ thống vé nên chưa thể triển khai vé điện tử liên thông”, bà Thảo cho hay.

Theo bà Thảo, để có thể triển khai, cần phải có khung tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách vé dùng chung cho toàn hệ thống.

Ngay trong năm nay, Sở GTVT Hà Nội sẽ xây dựng và trình UBND TP các nội dung này, cùng với việc xây dựng phương án và lộ trình đầu tư. Dự kiến, việc triển khai đầu tư sẽ được thực hiện vào năm 2024.

Chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình đánh giá, thẻ vé điện tử liên thông đã được nhiều thành phố trên thế giới áp dụng và mang lại kết quả tích cực.

Thẻ vé điện tử có rất nhiều ưu điểm, mang lại sự tiện lợi cho người dân. Hệ thống vé liên thông còn là công cụ trợ giúp đắc lực cho nhà quản lý và doanh nghiệp khai thác, kinh doanh dịch vụ vận tải công cộng.

“Áp dụng thẻ vé liên thông giúp giảm được thời gian mua vé, soát vé, giảm nhân công trên xe. Một ưu điểm nữa là sẽ có được số liệu thống kê, qua đó nắm được nhu cầu đi lại, điểm đi, điểm đến, các tuyến đường, mật độ lưu thông qua từng tuyến, qua đó xây dựng biểu đồ vận hành, kế hoạch vận hành thích hợp”, TS. Bình nói.

Bên cạnh những ưu điểm của thẻ vé liên thông, TS. Phan Lê Bình cho biết, cần lưu ý trong quá trình triển khai để đảm bảo tính hiệu quả và bảo mật.

Bởi thẻ vé liên thông khi này sẽ trở thành một dạng như thanh toán điện tử, dễ bị xâm nhập, can thiệp và có thể gây ra thất thoát trong doanh số cho đơn vị vận hành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.