Sáng nay (19/7), UBND TP Hà Nội tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cùng các lãnh đạo các sở, ngành liên quan của Hà Nội thực hiện nghi thức khởi công dự án.
Điểm đầu tuyến giao với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Km 184+100), điểm cuối giao với vành đai 3 (Km 169+100), đi qua quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì.
Tuyến đường gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 31ha. Các hạng mục chính của dự án gồm nút giao bán hoa thị Tứ Hiệp; đoạn đường từ Tứ Hiệp đến vành đai 3; nút giao với vành đai 3; hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, đường gom.
Kinh phí đầu tư 3.200 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 930 tỷ đồng, xây dựng trên 1.900 tỷ đồng, quản lý dự án 16 tỷ đồng, tư vấn đầu tư 71 tỷ đồng, chi phí khác 19 tỷ đồng và dự phòng phí 268 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2025.
Phối cảnh tuyến đường gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp.
Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội cho biết tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng, từng bước hoàn thiện các tuyến trục chính đô thị.
"Tuyến đường sau khi hoàn thành cùng với tuyến đường Vành đai 4 đang được đầu tư, các cầu vượt sông Hồng, tạo thành hệ thống giao thông sẽ mang lại hiệu quả cao trong phát triển, kết nối vùng; tăng khả năng lưu thông cho các phương tiện từ các tỉnh phía Nam với TP Hà Nội thông qua tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Vành đai 3 trên cao và các các nút giao thông khu vực lân cận", ông Cường nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, dự án là công trình giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Pháp Vân - cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội.
Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành thành phố, các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn thực hiện quản lý dự án đúng các quy định của Nhà nước. Tuân thủ chặt chẽ các quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật…
UBND quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân bị thu hồi đất; chỉ đạo UBND phường Yên Sở, UBND xã Tứ Hiệp tuyên truyền, vận động người dân bị ảnh hưởng ủng hộ, bàn giao mặt bằng để dự án sớm hoàn thành theo tiến độ phục vụ lợi ích đi lại của nhân dân.
Việc xây dựng tuyến đường sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Pháp Vân - cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội.
Theo đơn vị chủ đầu tư dự án, trong thời gian tới, để thi công được các hạng mục dự án phải tiến hành giải phóng mặt bằng diện tích khoảng 31,05ha phần lớn là ao, hồ, đất nông nghiệp nên việc tổ chức thi công sẽ rất khó khăn, phức tạp.
Bên cạnh đó dự án có khối lượng lớn công việc phải xử lý nền đất yếu trên diện tích rộng, trải dài qua địa bàn xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì và phường Yên Sở, quận Hoàng Mai; thêm nữa khi tổ chức thi công nút giao Tứ Hiệp và nút giao với đường Vành đai 3 sẽ phải tổ chức di chuyển đường dây điện cao thế 220kV, 110kV và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật; quá trình thi công các hạng mục công trình cũng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho kết cấu hạ tầng giao thông tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và tuyến đường Vành đai 3 đang khai thác…
Thiết kế nút giao Tứ Hiệp có hình bán hoa thị.
Tuy nhiên, nắm rõ được các thuận lợi và khó khăn khi triển khai thực hiện dự án, đơn vị chủ đầu tư khẳng định sẽ phối hợp với các đơn vị thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát xây dựng kế hoạch và tiến độ triển khai chi tiết, cụ thể, nghiên cứu để đề ra các giải pháp, biện pháp thi công, phướng án phân luồng giao thông phù hợp; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với tất cả các đơn vị có liên quan để thi công hoàn thành dự án vào năm 2025, đảm bảo chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận