Bất động sản

Hà Nội: Kiến nghị cấp kinh phí bảo dưỡng trạm nước thải xây xong bỏ hoang

26/09/2022, 10:29

Loạt dự án xử lý nước thải cụm công nghiệp do Sở Công thương chủ trì xây xong bỏ hoang, nay đơn vị này kiến nghị cấp kinh phí bảo dưỡng.

Hàng loạt dự án đầu tư bỏ hoang

Sau khi Báo Giao thông đăng tải bài viết: "Hà Nội: Tốn chục tỷ xây loạt trạm xử lý nước thải để... “đắp chiếu”, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội tổ chức giám sát chuyên đề về việc: Thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP Hà Nội.

img

Hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp Đan Phượng bỏ hoang, người dân tận dụng nuôi gà

Theo kết quả giám sát công khai trên trang thông tin điện tử của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cho thấy, nhiều trạm xử lý nước thải đã được đầu tư nhưng chưa đưa vào vận hành do nhiều nguyên nhân, gây lãng phí.

Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, thành phố mới có 6 nhà máy, trạm xử lý được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành với tổng công suất xử lý hơn 276 nghìn m3/ngày - đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý.

Tuy nhiên, nhiều nhà máy, trạm xử lý được đầu tư xây dựng nhưng không đấu nối, không đi vào hoạt động. Đơn cử như: Nhà máy xử lý nước xã Sơn Đồng (Hoài Đức), đến nay dự án đã xong công tác giải phóng mặt bằng, cơ bản hoàn thiện hệ thống đường ống thu gom, hệ thống xử lý nước thải và nhà điều hành quản lý, nhưng vẫn chưa đưa vào vận hành vì thiếu một số hạng mục (trạm bơm chuyển bậc số 2, tuyến ống thu gom nước thải, tuyến ống xả nước sau khi xử lý…).

Trạm xử lý nước thải tại khu đô thị Việt Hưng, trạm xử lý nước thải duy nhất trong các khu đô thị trên địa bàn quận Long Biên được Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD xây dựng, nhưng hơn 5 năm nay nhưng vẫn chưa hoạt động, gây lãng phí.

Ngoài ra, Trạm xử lý nước thải tại cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều đã được đầu tư từ năm 2008 nhưng chưa từng vận hành, hiện tại xuống cấp nghiêm trọng, các thiết bị cũ, hỏng, không đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải.

Kiến nghị cấp kinh phí bảo dưỡng

Tương tự với các hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp. Theo thống kê từ Sở Công thương, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 70 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động.

Nhưng tính đến tháng 8/2022, thành phố có mới 30 CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 11 CCN đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố tập trung thực hiện, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 2022.

Theo giám sát của HĐND thành phố, tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN đã hoạt động, giai đoạn đầu tư 2014-2015 đang bị chậm; một số CCN được đầu tư đồng bộ trạm xử lý nước thải tập trung song chưa phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp, hộ dân trong CCN chưa thực hiện nghiêm đấu nối xả thải với hệ thống này. Cùng với đó, việc thu phí nước thải cũng nhiều khó khăn do chủ đầu tư chưa xác định giá dịch vụ thoát nước và lưu lượng nước của doanh nghiệp, người dân...

Trước những tồn tại trong xử lý nước thải tại các CCN, Sở Công thương kiến nghị UBND thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các CCN, hiện cơ sở hạ tầng ban đầu xây dựng đã xuống cấp nên cần kinh phí cải tạo, bảo dưỡng; đồng thời có cơ chế hỗ trợ kinh phí để vận hành trạm xử lý nước thải khi nguồn thu chưa đảm bảo cân đối với kinh phí quản lý, vận hành...

Trước đó, Báo Giao thông đưa tin, Sở Công thương Hà Nội có tờ trình và được TP Hà Nội phê duyệt đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014 - 2015.

Nguồn vốn thực hiện đề án được cấp từ ngân sách thành phố và địa phương.

Đến nay, sau gần chục năm thực hiện đề án, nhiều trạm xử lý nước thải đã hoàn thiện nhưng… nằm “đắp chiếu”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Phương Thảo, Phó phòng Quản lý cụm công nghiệp, Sở Công thương cho biết, đến nay Sở chưa nhận được phản ánh về tình trạng hệ thống xử lý nước thải bỏ hoang.

Ông Thảo cũng cho rằng, trách nhiệm tiếp nhận phản ánh liên quan đến đề án này thuộc thẩm quyền UBND TP Hà Nội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.