Giới hạn độ cao, cảnh báo thông minh phương tiện cấm vẫn "ngó lơ"
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết: Cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc là cây cầu vượt lắp ghép nhẹ, thông xe từ cuối tháng 4/2012. Sau khi đưa vào khai thác, cơ quan chức năng đã thiết lập hệ thống biển báo đi chậm, cấm xe tải, xe khách, cấm người đi bộ và đặt khung giới hạn, biển báo cấm các xe có chiều cao quá 2,2m lưu thông trên cầu vượt.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc thường xuyên xảy ra sự cố khi các xe khách, xe tải... di chuyển lên cầu, làm sập khung hạn chế, gây mất ATGT tại khu vực.
Hà Nội lắp biển báo thông minh nhắc nhở phương tiện "quá khổ"
Gần đây nhất vào sáng 11/12/2022, một chiếc ô tô tải chở hàng đi từ hướng Tây Sơn - Thái Hà, khi đi qua cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc thì bị vướng phần thùng xe vào khung hạn chế chiều cao, khiến cả một hướng cầu vượt bị ùn tắc.
Đáng nói, mặc dù cây cầu vượt này đã được lắp camera cảnh báo, hiện cả số biển kiểm soát xe lên biển thông báo, tuy nhiên tài xế ô tô tải vẫn đi lên cầu và gặp sự cố.
Trước đó, vào các ngày 13/6 và 19/6/2020, mạng xã hội tiếp tục lan truyền hình ảnh các xe ô tô Limousine BKS 29B-207.43, xe ô tô tải khoảng 1,5 tấn BKS 29H-358.29 và một chiếc xe 30 chỗ liên tục mắc kẹt tại đầu cầu vượt Thái Hà, phía trường Đại học Thủy lợi.
Hay trưa 11/6/2020, chiếc ô tô tải BKS 29C-123.80 di chuyển từ hướng Ngã Tư Sở đi Tây Sơn. Khi đến cầu vượt Thái Hà, dù có biển báo hạn chế chiều cao, lái xe vẫn cố tình điều khiển xe lên cầu. Hậu quả, xe tải này bị vướng thùng, kéo sập barie, mắc kẹt luôn tại đầu cầu phía cổng trường Đại học Thủy lợi.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong số các cầu vượt trên địa bàn thì cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc hay xảy ra sự cố nhất. Nguyên nhân do trên cầu có giới hạn độ cao nhằm đảm bảo tuổi thọ cho cây cầu và ATGT cho các phương tiện. Song, thực tế nhiều phương tiện có biển số ngoại tỉnh khi lưu thông vào TP không để ý, lưu thông lên làm hỏng giá long môn.
Hiện trường vụ xe ô tô tải húc đổ khung giới hạn chiều cao cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc vào trưa ngày 11/6/2020
Hạ khung chắn chiều cao của cầu để tránh tình trạng xe quá khổ đi lên
"Trước tình trạng này, từ đầu năm chúng tôi đã họp liên ngành thống nhất báo cáo TP bổ sung thêm biển cảnh báo thông minh nhắc nhở, cảnh báo để hạn chế các phương tiện vượt quá chiều cao xe lên cầu. Từ đó đến nay, thực tế các vụ ô tô đâm vào thanh chắn chiều cao cầu, ô tô đánh sập khung hạn chế chiều cao... đã được hạn chế", ông Bảo nhấn mạnh.
Hệ thống biển báo thông minh này sử dụng ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích, xử lý hình ảnh bằng Camera. Mục đích để đo đếm lưu lượng phương tiện, phân loại phương tiện (xe tải, xe khách, ô tô con, xe máy), nhận diện biển số phương tiện (xe ô tô) và cảnh báo phương tiện quá khổ giới hạn lưu thông đi qua cầu.
Cụ thể, hệ thống camera thông minh sẽ hoạt động theo phương thức phát hiện, phân loại, nhận diện các loại xe tải, xe quá khổ, xe khách từ xa... Qua đó, hệ thống sẽ trực tiếp đưa ra cảnh báo bằng việc phát hình ảnh biển kiểm soát xe lên các biển điện tử, được lắp đặt ngay phía lối lên, xuống ở cả 2 đầu cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc.
"Theo số liệu (từ 0h ngày 1/12/2022 đến 17h ngày 6/12/2022), hệ thống camera thông minh trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc đã phát cảnh báo đối với 8.000 xe ô tô, xe tải, xe ba gác... có ý định và đã di chuyển lên cầu", ông Bảo thông tin và cho biết thêm: Ngoài ra, camera thông minh cũng ghi nhận khoảng 525.000 phương tiện qua cầu (ở cả 2 chiều). Tỷ lệ nhận diện biển số xe ô tô khoảng 95%, tỷ lệ phân loại và đo đếm lưu lượng khoảng 95%.
Là lực lượng chức năng phụ trách kiểm tra, xử lý vi phạm ở khu vực cầu vượt trên, Đại diện Đội CSGT số 3 cho biết, sau khi đưa vào khai thác, cơ quan chức năng đã thiết lập hệ thống biển báo đi chậm, cấm xe tải, xe khách, cấm người đi bộ và đặt khung giới hạn, biển báo cấm các xe có chiều cao quá 2,2m lưu thông trên cầu vượt.
Tuy nhiên, cây cầu này thường xuyên xảy ra sự cố khi các xe khách, xe tải... di chuyển lên cầu, đánh sập khung hạn chế, làm ùn tắc giao thông, gây mất ATGT tại khu vực. Chúng tôi đã có kiến nghị, đề xuất với Sở GTVT Hà Nội hạ khung chắn chiều cao của cầu xuống, để tránh tình trạng các xe quá khổ đi lên cầu", vị lãnh đạo này nói.
Trước đề xuất trên của CSGT, ông Bảo cho hay: "Hiện tôi chưa nhận được văn bản chính thức nào từ phía CSGT. Hạn chế chiều cao như vậy (2,2m) đã tính đến an toàn cho cầu về tải trọng và người tham gia giao thông đồng thời tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông qua cầu, giảm ùn tắc cho nút phía dưới cầu. Tuy nhiên, nếu họ đề xuất chúng tôi sẽ thực hiện các quy trình chuyên ngành của ngành GTVT để nghiên cứu, thấy khả thi mới áp dụng.
"Giao thông hiện quá tải, việc tổ chức giao thông làm sao thuận tiện cho lưu thông của người dân là cần thiết. Mỗi đề xuất của các cơ quan, đơn vị chúng tôi đều phải nghiên cứu, tham mưu báo cáo đề xuất TP", ông Bảo nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận