Ngại lên cầu, xuống hầm
Người đi bộ sang đường thay vì di chuyển xuống dưới hầm đi bộ ngay gần đó (Chụp tại ngã tư Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết - Nguyễn Hoàng)
Sáng 5/3, dù là cuối tuần nhưng đường Phạm Hùng, khu vực gần cửa Bến xe Mỹ Đình vẫn đông nghẹt phương tiện.
Đáng nói, khu vực hầm đi bộ H3 chỉ cách vài bước chân nhưng rất nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm cắt dòng phương tiện để đi bộ từ đường Tôn Thất Thuyết vào bến xe.
Ghi nhận bên dưới hầm rất vắng vẻ, không một bóng người, kể cả người trông hầm (thời điểm lúc 10h15), hệ thống camera cũng chưa được trang bị. Bên trong hầm dù được đơn vị vận hành dọn dẹp sạch sẽ, có hệ thống đường điện sáng nhưng cả nửa tiếng có mặt ở đây, PV không hề thấy ai xuống hầm.
“Nhiều lần do đường quá đông, em đã đi xuống hầm. Nhưng lần nào cũng vậy, bên dưới hầm gần như không một bóng người, cảm giác rất sợ dù có đèn chiếu sáng, chỉ lo có ai đó họ làm hại mình. Vài lần như vậy em cũng không dám đi xuống nữa”, Nguyễn Thị Huệ - sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Bên trong hầm bộ hành được vệ sinh sạch sẽ, có bóng điện sáng nhưng người dân chưa mặn mà
Anh Nguyễn Xuân Vương, hành nghề xe ôm khu vực Bến xe Mỹ Đình 13 năm nay chia sẻ: “Nhiều người bị ấn tượng xấu từ nhiều năm trước khi các công trình này hoang vu, bị nhiều đối tượng tệ nạn chiếm dụng. Những người thử đi rồi thì cũng sợ vì vắng vẻ quá. Trước đây cũng có một vài vụ trộm cắp, trấn lột nên người ta càng sợ”.
Theo ghi nhận của PV, tại nhiều cầu bộ hành bắc qua các tuyến đường như: Nguyễn Trãi (quận Hà Đông), Trung Kính, Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy), Giải Phóng - Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng), Chùa Bộc (quận Đống Đa)... tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm băng qua đường vẫn diễn ra phổ biến.
Đơn cử, trên trục đường Tố Hữu được bố trí tới 5 cầu bộ hành kết nối với nhà chờ buýt nhanh BRT, bên cạnh một số người dân chấp hành, còn nhiều người đi bộ vẫn thờ ơ. Khu vực cổng Bệnh viện K Tân Triều có cầu bộ hành giúp người dân sang đường đi an toàn nhưng thực tế rất ít người sử dụng.
Tốn cả chục tỷ đồng duy tu, vận hành mỗi năm
Hầm đi bộ ở Hà Nội chưa thu hút người đi lại sau hàng chục năm vận hành
Tìm hiểu của PV, Hà Nội đã xây dựng và đưa vào khai thác hơn 30 hầm, 53 cầu đi bộ với chi phí xây dựng hàng trăm tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Nhi, Phó giám đốc Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội (đơn vị thực hiện công tác duy tu, duy trì vận hành hầm, cầu bộ hành) cho hay: Qua khảo sát, đến nay ở các công trình hầm chui, cầu bộ hành rất ít người sử dụng. Thay vào đó, người dân sang đường tùy tiện.
Công ty hiện được giao quản lý 31 hầm, 28 cầu bộ hành trên địa bàn. Tất cả công trình cầu, hầm đều có người trông giữ, vệ sinh hàng ngày, chia làm 2 ca/ngày phục vụ đến 22h.
Năm 2022, chi phí quản lý, bảo trì, vận hành khoảng 10 tỷ đồng, trong đó, 31 hầm chui là 6,76 tỷ đồng, 28 cầu bộ hành 2,8 tỷ đồng.
Theo chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình, việc vận hành hệ thống công trình cho người đi bộ nếu không hiệu quả để kéo dài sẽ gây lãng phí: “Hầm chui không nên xuất hiện quá lặng lẽ, cần thêm các biển bảng chỉ dẫn nổi bật, dễ thấy, có các thông điệp đề nghị người dân sử dụng.
Hầm cần được lắp đặt camera và có thông báo rõ ràng về điều này ở ngay cửa hầm, người sử dụng sẽ yên tâm hơn. Nên bổ sung thêm các tiện ích khác như hệ thống thông tin liên lạc, nút bấm nguy hiểm trong tình huống khẩn cấp, hoặc đơn giản là thiết kế đẹp, là nơi đáng để check-in, chắc chắn sẽ có sức hút”.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, ở nước ngoài hầm đường bộ thường kết nối với các trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi hoặc kết nối với các bãi đỗ xe, nhà ga, công trình ngầm.
Hầm đường bộ ở nước ta là những công trình giao thông riêng rẽ, chưa có sự kết nối với các tòa nhà và chỉ phục vụ chức năng giao thông là chủ yếu.
“Để khai thác hiệu quả, cần thu hút người dân sử dụng bằng cách thay đổi diện mạo các công trình này như: Trang bị hệ thống camera giám sát như hầm chui Ngã Tư Sở (sau lắp đặt đã đông người sử dụng hơn); kiểm tra, rà soát và đảm bảo tính an toàn, tiện ích của hệ thống hầm đi bộ, tạo tâm lý yên tâm cho người dân”, TS. Đức góp ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận