Đô thị

Hà Nội: Loạt cơ chế gỡ khó đầu tư bãi xe ngầm

09/03/2024, 10:00

Loạt cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư bãi xe ngầm vừa được Hà Nội thông qua, kỳ vọng sẽ tạo đột phá, giúp hiện thực hóa các dự án đầu tư bãi đỗ xe ngầm tại Thủ đô.

Bãi xe ngầm trở thành đất hoang

Góc phố Nguyễn Đình Chiểu - Trần Nhân Tông, nơi được quy hoạch để xây dựng điểm trông giữ xe thông minh 4 tầng từ nhiều năm trước, đến nay vẫn chỉ là bãi xe tạm trên vỉa hè, phục vụ chủ yếu nhu cầu cho các nhà hàng, công sở. Nói cách khác, bãi xe thông minh vẫn chỉ nằm trên giấy.

Hà Nội: Loạt cơ chế gỡ khó đầu tư bãi xe ngầm- Ảnh 1.

Dự án bãi xe ngầm tại địa chỉ số 295 Lê Duẩn vẫn là bãi đất hoang sau 16 năm.

Cách đó không xa, tại 295 Lê Duẩn, dự án bãi xe ngầm 3 tầng cũng chỉ là một khu đất rộng được quây tôn, bên trong cỏ dại mọc um tùm, rác thải vứt bừa bãi.

Chị Nguyễn Thị Phương, người sống gần đó chia sẻ: "Khu vực trung tâm, nhà không có để ở, đất có giá vài trăm triệu một mét vuông nhưng dải đất rộng tới cả nghìn mét lại đang để không, quá lãng phí".

Tương tự, khu vực vườn cây cạnh Văn Miếu được quy hoạch làm bãi xe ngầm cũng đang giậm chân tại chỗ, trở thành bãi đất trống để hoang.

Tại quận vùng lõi Hoàn Kiếm, không gian thực hiện bãi đỗ xe vốn định hướng với 6 bãi đỗ xe ngầm, tổng diện tích khoảng 5ha tại khu vực chợ Đồng Xuân, vườn hoa Phùng Hưng - Bát Đàn, khu đất Nhà in báo Nhân dân, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Quảng trường 19-8 và vườn hoa lân cận, sân Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, song đến nay chưa có động thái nào cho thấy các bãi xe sẽ được xây dựng.

Do các điểm trông giữ xe không được triển khai theo kế hoạch, cơ quan chức năng của thành phố buộc phải áp dụng giải pháp trước mắt là cấp phép trông xe dọc theo các tuyến phố, trên một phần hè hoặc toàn bộ hè phố. Nhưng dù có tận dụng lòng đường, vỉa hè cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu người dân.

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT, tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn TP Hà Nội là hơn 90ha, chỉ đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu đỗ xe.

Từ đó dẫn đến bùng phát các điểm đỗ xe trái phép, sai quy hoạch và bố trí không hợp lý.

Doanh nghiệp không mặn mà

Lý giải về việc chậm trễ trong việc làm các bãi xe ngầm, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến đầu tư, xây dựng có nhiều thay đổi, dẫn đến kéo dài thời gian lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư.

Theo quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2050 Hà Nội sẽ có 1.620 bãi đỗ xe công cộng, trong đó có 73 bãi ngầm.

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội hồi tháng 12/2023, thành phố mới đang triển khai đầu tư 96 dự án bãi đỗ xe.

Trong đó 18 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, 12 dự án đã có chủ trương/quyết định chấm dứt đầu tư, 66 dự án đang triển khai đầu tư.

Số bãi đỗ đã và đang đầu tư chỉ tương đương với khoảng 5% mục tiêu đề ra; có khoảng hơn 1% số bãi đỗ đã hoàn thành xây dựng.

Trong khi đó, đại diện UBND TP Hà Nội thông tin, hằng năm thành phố đều triển khai các hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư với các dự án có sử dụng đất, trong đó bao gồm cả các dự án đầu tư xây dựng bến, bãi đỗ xe.

Tuy nhiên do vị trí, địa điểm kêu gọi đầu tư dự án bến, bãi đỗ xe công cộng chưa thực sự hấp dẫn nên kết quả rất hạn chế.

Ngoài ra, kinh phí đầu tư ban đầu các dự án bãi đỗ xe công cộng khá lớn, thời gian và khả năng thu hồi vốn khó khả thi khiến doanh nghiệp chưa mặn mà.

Ông Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Tài chính chia sẻ: "Chính phủ quy định hỗ trợ tiền thuê đất với bãi đỗ xe ngầm bằng 10% tiền thuê mặt đất.

Trong khi vốn đầu tư bãi đỗ xe nổi rất rẻ, đầu tư bãi đỗ xe ngầm rất cao, giá trông giữ xe thì khống chế.

Muốn kêu gọi đầu tư phải có cơ chế, trong đó có việc hỗ trợ về lãi suất".

Ông Võ Thanh Tùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Tây Hồ lại cho rằng, với cơ chế chưa thực sự hấp dẫn để xã hội hóa các bãi đỗ xe, một số dự án trọng điểm cần được nhà nước đầu tư.

Gỡ nút thắt cơ chế

Theo thông tin của Báo Giao thông, HĐND TP Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết 07, thông qua một số chính sách cụ thể về đầu tư xây dựng các dự án đỗ xe ngầm như: Hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu, kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuê đất bãi đỗ xe;

Hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu phải nộp đối với các thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho dự án xây dựng bãi đỗ xe;

Nhà đầu tư được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng ngầm của dự án theo quy hoạch để đầu tư khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ khác...

Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cũng tham mưu UBND TP ban hành một số cơ chế đặc thù như: Cho phép nhà đầu tư được bán một số chỗ đỗ xe ngầm sau khi đầu tư xong;

Trong phạm vi bán kính khoảng 500m xung quanh các bãi đỗ xe theo quy hoạch, không cho phép khai thác điểm đỗ xe tạm thời ở lòng đường, vỉa hè;

Xây dựng cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ được xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn vốn…

Đại diện một đơn vị lớn hoạt động về trông giữ xe cho biết: "Trước đây công ty chúng tôi được thành phố giao cho nghiên cứu một số bãi xe ngầm trên địa bàn. Song thực tế chi phí để làm bãi xe ngầm rất lớn, hàng trăm tỷ đồng, khả năng thu hồi vốn dài hạn, khó nhìn thấy lợi nhuận".

"Những năm gần đây, mặc dù thành phố đã mở cơ chế hơn, nhưng thực tế vẫn chưa tương xứng với vốn nhà đầu tư bỏ ra.

Đơn cử như như chi phí đầu tư bãi xe ngầm ở vị trí 295 Lê Duẩn lên đến vài trăm tỷ. Vậy bao nhiêu năm thì thu hồi được vốn, thay vì như thế tư duy người làm kinh doanh số tiền đó người ta đi mua vài chục căn nhà cho thuê để thấy được lợi nhuận", vị đại diện này nhấn mạnh và cho rằng, bản thân đã đi nhiều nước trên thế giới cho thấy, cách để bãi xe ngầm được xây dựng nhanh nhất là Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư, sau đó sẽ đấu thầu.

Hiện các nước đang làm như vậy để phục vụ nhu cầu người dân. Nếu không có cơ chế thật "thoáng", rất khó để nhà đầu tư quan tâm tới bãi xe ngầm.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.