Mới đang nghiên cứu?
Trong Kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự, chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022- 2025 vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, bên cạnh những giải pháp căn cơ, Hà Nội đưa ra giải pháp mở làn đường ưu tiên cho xe đạp.
Xe đạp lưu thông cùng với các loại hình phương tiện khác sẽ gây ra nguy cơ mất ATGT, vì vậy cần thiết có làn đường ưu tiên (Ảnh minh họa)
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngày 5/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48 về tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025, trong đó có giao cho UBND các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp.
Trên cơ sở đó, ngày 31/8 vừa qua UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 235 để thực hiện Nghị quyết số 48 của Chính phủ. Kế hoạch đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong đó có nhiệm vụ, nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp trên địa bàn thành phố.
“Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đang được TP giao chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã liên quan nghiên cứu, đề xuất, nghiên cứu triển khai thí điểm, bố trí làn đường ưu tiên cho xe đạp trên một số tuyến đường phù hợp, đảm bảo ATGT. Nội dung này mới đang ở bước nghiên cứu”, ông Viện cho biết.
Ngay khi thông tin này được đưa ra, dư luận đã rất quan tâm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, với thực trạng giao thông của Hà Nội, ngay cả làn riêng cho xe buýt còn chưa thiết lập được thì liệu việc làm làn đường riêng cho xe đạp có thể thành hiện thực, có khả thi?
Làn riêng sẽ hiệu quả khi có dịch vụ cho thuê xe đạp
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, việc phát triển phương tiện xe đạp là đúng với thực tế khi tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội ngày càng tăng.
Hiện, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị Hà Nội với nhận định xe đạp công cộng sẽ đem đến cho người dân một phương tiện hiện đại, thuận tiện, thân thiện, tăng khả năng kết nối vận tải hành khách công cộng. Theo tiến độ của chủ đầu tư, dự kiến trong tháng 10, dịch vụ này sẽ chính thức ra mắt với 2.000 xe đạp tại 200 điểm trạm cho thuê thuộc 7 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy. Dự kiến, mức giá cho thuê trong 30 phút là 5.000 đồng/xe đạp cơ và 10.000 đồng/xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng/xe đạp cơ và 120.000 đồng/xe đạp điện. Hệ thống vé có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Tuy nhiên, khi thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp, cần nghiên cứu lựa chọn các tuyến đường thích hợp.
“Phù hợp nhất là các tuyến đường rộng từ 25m, có 4 - 5 làn xe trở lên. Các tuyến đường này cũng cần có sự liên thông”, ông Thuỷ nói và cho rằng, cần phải có khảo sát, thống kê lượng xe đạp bình quân hàng ngày đi là bao nhiêu; đánh giá lại việc phát triển xe đạp công cộng đến nay đã được thực hiện đến đâu…
“Nên phát triển mạng lưới sao cho người dân thấy thuận tiện khi đi xe đạp. Thực tế, xe đạp có khả năng kết nối rất tốt giữa phương tiện này với phương tiện khác, kết nối giữa xe buýt với đường sắt đô thị, giữa xe buýt với đường sắt quốc gia”, ông Thủy chia sẻ.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cho biết, đây là xu hướng nhiều nước đã và đang thực hiện. Nhiều người chọn đi xe đạp để tăng cường sức khỏe và bảo vệ môi trường.
“Tại nhiều nước, họ thường bớt khoảng 1m đường phía lề bên phải để cho xe đạp đi vào. Tuy nhiên, việc thí điểm này sẽ rất khó khăn ở Hà Nội. Ví dụ, xe buýt BRT đã có làn đường ưu tiên nhưng vào giờ cao điểm cũng vẫn bị hàng loạt phương tiện lấn làn”, ông Bình nói và cho rằng, cần phải tuyên truyền rộng rãi đến người dân, đặc biệt phải đảm bảo được quyền ưu tiên của các phương tiện được phép di chuyển trong làn đó.
Cũng ủng hộ làm làn riêng cho xe đạp, chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên Trường Đại học GTVT cho rằng, ý tưởng nghiên cứu thí điểm làn đường riêng dành cho xe đạp có thể thực hiện được nếu lựa chọn một số tuyến nhất định.
Đơn cử như trên các trục đường lớn, mật độ giao thông cực cao, có tuyến đường sắt đô thị vận hành như: Nguyễn Trãi, Tố Hữu, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu…
“Làn đường ưu tiên khác với làn đường dành riêng ở chỗ: Các phương tiện giao thông cơ giới vẫn được lưu thông vào khi trên làn đó không có phương tiện ưu tiên đang di chuyển”, bà Thủy nói và cho rằng, người dân nên nhìn nhận ở góc độ tích cực mà nghiên cứu mang lại. Trong tương lai, khi Hà Nội hạn chế, cấm xe máy thì đây cũng là giải pháp phù hợp.
Nhiều ý kiến khác cũng hy vọng làn đường riêng sẽ hiệu quả khi tới đây Hà Nội triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng. Khi đó người dân có thể chọn thuê xe đạp đi trong nội đô sau khi kết thúc các chặng buýt, tàu điện trên cao.
Xe đạp được ưu tiên số 1 ở nhiều nơi
Copenhagen, Đan Mạch: 36% người dân đi làm hoặc đến trường bằng xe đạp mỗi ngày. Lãnh đạo thành phố này đã dành tới hơn 180 dặm đường riêng và đường nhỏ dành cho xe đạp, những tín hiệu giao thông đặc biệt dành cho người đi xe đạp, bãi đậu xe đạp... Trong thành phố có hơn 100 điểm cho mượn xe đạp miễn phí.
Amsterdam, Hà Lan: Giống như Copenhagen, Amsterdam có tới 40% người đi xe đạp. Tại những nơi như bờ biển, quán cà phê hay những kênh đào nổi tiếng dọc thành phố tăng đến 600.000 xe đạp (trong khi dân số ở đây khoảng 750.000 người). Những năm gần đây, tốc độ ôtô bị giới hạn thấp hơn nên một số đầu tư cơ sở hạ tầng cho xe đạp đã được tăng cường.
Portland, Mỹ: Portland được mệnh danh là thành phố xe đạp và là thành phố đứng đầu nước Mỹ về số lượng người đi xe đạp, đặc biệt là khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương với 270 dặm đường dành cho xe đạp và đường chuẩn bị làm cho xe đạp.
Munich, Đức: Trong bán kính 3 dặm ở Munich, với một chiếc xe đạp bạn sẽ di chuyển nhanh hơn, linh động hơn bất kỳ phương tiện giao thông nào khác vì ở Munich cơ sở hạ tầng, đường, tín hiệu giao thông dành cho xe đạp rất tốt. Thành phố cung cấp biểu đồ lộ trình chi tiết những con đường dành cho xe đạp và bản đồ xe đạp dành cho khách muốn tham quan các thắng cảnh bằng xe đạp.
Perth, Úc: Ở đây có hàng trăm km đường, phần đường và đường thân thiện dành cho người đi xe đạp. Ngoài ra, Perth cũng được giới thiệu là nơi có “mạng lưới xe đạp tiện lợi và rộng lớn nhất thế giới”, với những lộ trình thuận tiện từ ngoại ô vào đến thành phố. Một điểm đặc biệt ở Perth là có bãi để xe đạp ở các ga tàu điện có khóa, hoặc ký gửi để người đi xe đạp có thể yên tâm đi xe lửa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận