Kinh tế

Hà Nội muốn đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam

23/11/2018, 06:22

Đây là thông tin được tiết lộ tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng...

6

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, từ 1/1/2017 - 15/11/2018, TP Hà Nội được giao 2.594 nhiệm vụ, theo đó đã hoàn thành 1.980 nhiệm vụ (bằng 76,3%); Đang triển khai 614 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành là 7 nhiệm vụ.

Tổ trưởng Tổ công tác cũng chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng đến TP Hà Nội và đánh giá cao vai trò cá nhân của Chủ tịch TP Hà Nội đã hết sức năng động sáng tạo, có nhiều đổi mới, không ngại việc, không ngại va chạm, tạo ra sự chuyển động mạnh cho cả TP. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng khen Hà Nội 9 vấn đề, trong đó có việc Hà Nội đã có nhiều đột phá, sáng tạo trong cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ CNTT; thực hiện 12 đợt tinh giản với 695 người, chuyển 106 đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ hoàn toàn về tài chính, cắt giảm 8.700 biên chế hưởng lương từ ngân sách…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc Hà Nội tổ chức thực hiện tốt hơn tiến độ cổ phần hoá và thoái vốn. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách nhiều hơn, siết chặt kỷ cương kỷ luật hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT; Tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, thực thi công vụ, xử lý cán bộ sách nhiễu. Đồng thời, quyết liệt và xử lý kiên quyết các vụ việc sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc ghi nhận nỗ lực của Hà Nội trong phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính. Theo ông Lộc, khảo sát với cộng đồng DN cho thấy, Hà Nội là 1 trong 3 địa phương đứng đầu cả nước về sự hấp dẫn trong đầu tư. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Hà Nội vượt TP HCM trong thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Lộc cũng thông tin về việc Chủ tịch TP Hà Nội đang “hẹn hò” với Tập đoàn Hồng Hải (Trung Quốc) đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam và cho rằng, đây là cơ hội cho Việt Nam.

Nhắc đến những điểm Hà Nội cần lưu ý, ông Lộc đề nghị TP cải cách tốt hơn trong tiếp cận đất đai bởi vẫn còn dư địa cải cách trong lĩnh vực này. Nhắc đến vấn đề tắc nghẽn đô thị, ông Lộc cho rằng, nguyên nhân không chỉ do quy hoạch hay đường sá. Theo ông, thực hiện chính quyền điện tử cũng là một biện pháp quan trọng để giải quyết ách tắc giao thông ở Hà Nội, bởi có chính quyền điện tử thì người dân không phải ra đường nữa. TP thông minh, giao thông thông minh là giải pháp cần được lựa chọn hàng đầu.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư nhắc đến việc xã hội hóa các dịch vụ công như môi trường, chăm sóc cây cảnh và góp ý, thay vì giao nhiệm vụ nên tổ chức đấu thầu nhiều hơn, thực hiện mở rộng các dịch vụ công ích.

Theo Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, để xây dựng chính quyền điện tử phải sắp xếp lại bộ máy hành chính, xây dựng đề án vị trí việc làm của tất cả các sở, ngành, phòng ban. Trên cơ sở đó mới xây dựng phần mềm. Cuối tháng 12/2018, TP sẽ báo cáo chương trình cũng như các ứng dụng. Theo đó, hệ thống quản lý thông minh sẽ phục vụ quản lý, tất cả cán bộ công chức, viên chức khi làm việc thì hệ thống cảnh báo luôn, tự động gửi đến điện thoại, iPad của nhân viên là công việc của họ đã xong chưa, sau đó nhắc nhở rồi đến mức nào đó sẽ tự động báo cáo từng cấp. Từ đó, TP sẽ có cơ sở so sánh thủ tục giữa các cơ quan với nhau để biết nơi nào làm nhanh hay chậm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.