Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, từ 27/4 đến hết 1/5. Bên cạnh lựa chọn đi du lịch, nghỉ dưỡng, các hoạt động giải trí như phim ảnh, sân khấu, âm nhạc... cũng hứa hẹn nhiều chương trình đặc sắc.
Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch có nhiều hoạt động, điểm vui chơi, giải trí trong dịp này.
Phố đi bộ mở xuyên 6 ngày lễ
Phố đi bộ quận Hoàn Kiếm luôn là địa điểm hút khách mỗi kỳ nghỉ lễ. Lễ 30/4-1/5 năm nay, quận Hoàn Kiếm kéo dài thời gian hoạt động các không gian đi bộ trên địa bàn quận tới 6 ngày, từ ngày 26/4 (thứ sáu) đến hết ngày 1/5 (thứ tư) trong dịp nghỉ lễ.
Cụ thể, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận hoạt động từ 19h ngày 26/4 (thứ sáu) đến 24h ngày 1/5 (thứ tư); các tuyến phố đi bộ khu vực Phố cổ Hà Nội hoạt động từ 19h - 24h các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật, thứ hai, thứ ba, thứ tư.
Với chủ đề Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ, lễ hội Du lịch Hà Nội được tổ chức từ 25-28/4 tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tại đây, du khách được trải nghiệm hơn 150 gian hàng. Khu gian hàng ẩm thực Hà Nội mang đến những món ăn tiêu biểu của Thủ đô như bánh tôm Hồ Tây, bún ốc, bánh cuốn Thanh Trì, các loại phở, bún chả, bánh khúc, nem Phùng, miến lươn, bánh gối, bánh cốm Hàng Than, kem Tràng Tiền, xôi Phú Thượng cùng các loại chè giải nhiệt...
Ngoài ra, du khách còn có dịp tham quan, mua sắm những sản phẩm kích cầu du lịch. Chỉ với mức giá từ 100.000 đồng, công chúng có thể tiếp cận một số tua như tua đêm Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long...
Dịp này, triển lãm Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại được diễn ra từ ngày 26/4-31/5, tại di tích cách mạng Nhà D67 (Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội).
Triển lãm giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh, mang nội dung cô đọng nhất về sự ra đời của "tuyến lửa" đường Trường Sơn, sức sống mãnh liệt của con đường qua bom đạn chiến tranh, trở thành một kỳ tích về sức mạnh chiến đấu, chiến thắng, một thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng, một huyền thoại trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí, các di tích văn hóa, lịch sử như nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích Hoàng thành Thăng Long... mở cửa vào dịp lễ đón du khách.
Sân khấu tất bật sáng đèn
Dịp lễ 30/4-1/5 năm nay tiếp tục đánh dấu bữa tiệc điện ảnh, kịch đa dạng và thú vị, hứa hẹn mang đến những lựa chọn hấp dẫn cho gia đình.
Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức nhiều chương trình đặc sắc như: "Gala xiếc và ảo thuật ba miền 2024", "Sống mãi với Điện Biên" quy tụ các nghệ sĩ xuất sắc biểu diễn phục vụ khán giả từ ngày 27/4-1/5 tại Rạp Xiếc trung ương (67-69 Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Cụ thể, Gala xiếc và ảo thuật ba miền 2024 do NSND Tống Toàn Thắng viết kịch bản và đạo diễn, dài 120 phút, là sự hòa quyện văn hóa ba miền thông qua xiếc, ảo thuật và âm nhạc.
Chương trình đem đến cho khán giả nhiều màn biểu diễn phong phú, hấp dẫn. Trong đó, màn chào đầu "Sắc màu quê hương" với xiếc leo cột, xiếc trâu, xiếc lợn, múa rồng, múa sen... do các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn.
Tiếp theo là ảo thuật, xiếc "Đạp ô", xiếc "Đám cưới dê", "Đu son", ảo thuật "Hoa hồng dại", vòng xoay mạo hiểm, dây thép căng "Lửa tình Tây Nguyên", hề xiếc, đứng tay, cầu bật "Ngày hội Tây Nguyên"... và cuối cùng là màn chào kết "Ngày hội non sông".
Chương trình "Sống mãi với Điện Biên" có thời lượng 90 phút, gồm 5 phần: Tây Bắc hào hùng, Hành quân xa, Hò kéo pháo, Trên đồi Him Lam và Giải phóng Điện Biên.
Chương tình có các tác phẩm âm nhạc: Hò kéo pháo, Qua miền Tây Bắc, Giải phóng Điện Biên, Trên đồi Him Lam, Hành quân xa, Chiến sĩ Điện Biên, Bế Văn Đàn sống mãi...
Trong chương trình sẽ có các tiết mục: Xe đạp chồng người, múa sạp, nhào lộn, tung hứng, đế trụ tập thể, hình tượng nam, dây da, leo cột, múa cờ, nhào lưới, xiếc thú, nhảy dây tập thể, cầu bật tập thể, thăng bằng trên dây…
Ngoài ra, 7 đơn vị nghệ thuật Hà Nội tổ chức nhiều đêm biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tại trung tâm huyện Ba Vì, Nhà hát Cải lương Hà Nội biểu diễn vào tối 28/4. Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội biểu diễn tại huyện Mỹ Đức vào tối 29/4 và tại huyện Ứng Hòa vào tối 30/4.
Nhà hát Chèo Hà Nội với 2 đêm diễn, tại huyện Mê Linh tối 28/4 và tại quận Nam Từ Liêm vào tối 30/4. Tại huyện Phúc Thọ sẽ là chương trình biểu diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội vào tối 30/4.
Lý Hải, Thái Hòa "đụng độ" ngoài rạp
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, phòng vé đã trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn. Dịp này, phòng vé có 3 phim Việt là "Lật mặt 7: Một điều ước", "Cái giá của hạnh phúc" và "Đóa hoa mong manh".
Với "Lật mặt 7", đạo diễn Lý Hải không còn khai thác hơi hướng hành động, rượt đuổi, thay vào đó tập trung khai thác khía cạnh cảm xúc.
Nội dung phim xoay quanh gia đình bà Hai (Thanh Hiền) 73 tuổi và 5 người con. Hồi nhỏ, 5 người con luôn mong muốn được chăm sóc mẹ về già. Tuy nhiên, khi về già bà Hai lại sống thui thủi một mình. Khi bà gặp tai nạn, không có người chăm sóc. Các con lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, với họ ai cũng khó khăn riêng nên không thể về với mẹ.
Phim "Cái giá của hạnh phúc" cũng ra rạp dịp này. Phim xoay quanh câu chuyện một gia đình thượng lưu của ông Thoại (Thái Hòa) và bà Dương (Xuân Lan).
Nội dung phim cho khán giả thấy dù là gia đình thượng lưu cũng phải đương đầu với những khó khăn, mâu thuẫn, xung đột rất đỗi đời thường, giống như mọi gia đình Việt. Phim truyền đi thông điệp về tầm quan trọng của sự cảm thông và thấu hiểu giữa các thành viên.
Trong khi đó, phim "Đóa hoa mong manh" do Mai Thu Huyền đạo diễn đã được ra mắt từ 18/4. Phim thuộc thể loại điện ảnh - âm nhạc với bối cảnh được quay hoàn toàn tại Mỹ dựa trên kịch bản của ca sĩ Nhật Hạ.
Dịp này, rạp phim cũng ghi nhận sự đổ bộ của nhiều phim quốc tế như: "Vây hãm", "Kẻ trừng phạt", "Tu viện máu", "Anh hùng bàn phím"...
Bên cạnh đó, nhiều bộ phim hoạt hình phù hợp với tất cả thành viên trong gia đình như: "Mèo mập mang mười mạng", "Gấu béo tung chưởng"... được công chiếu.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, thời tiết chủ đạo trên cả nước là nắng nóng.
Tại Đông Bắc Bộ, nắng nóng khả năng xuất hiện với mức nhiệt cao nhất 35-37 độ C trong các ngày 27-29/4. Sau đó trong hai ngày nghỉ lễ chính, khu vực giảm nhiệt nhưng duy trì oi nóng, dao động mức cao nhất 33-35 độ C.
Trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày, khu vực nắng nóng nhất trên cả nước là từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Tại đây xuất hiện nắng nóng gay gắt 36-39 độ C, có nơi cực kỳ gay gắt trên 39 độ C.
Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, nắng nóng cũng tiếp diễn với nhiệt độ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận