Không lạm dụng gộp mẫu xét nghiệm Covid-19
Tính tới 18h ngày 21/11, chùm ổ dịch La Thành, Giảng Võ - Ba Đình ghi nhận 160 ca mắc Covid-19. Theo thông tin phản ánh từ người dân, sau khi có ca nhiễm Covid-19, UBND phường Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) đã tiến hành phong toả cứng khu vực có dịch. Người dân sống trong khu phong toả thì sống trong nỗi lo thấp thỏm xét nghiệm nhiều, mỗi lần xét nghiệm gộp nếu có mẫu dương tính thì lại tiếp tục xét nghiệm.
Xét nghiệm Covid-19 cho người dân (ảnh minh họa)
Nhiều người dân ở đây cho rằng, 10 ngày qua người dân bị phong toả không ai tiếp xúc với ai trừ người nhà nhưng sau 3,4 lần xét nghiệm âm tính thì lại dương tính. Người dân lo lắng việc xét nghiệm mở rộng này chính là nguyên nhân có thể khiến virus lây lan nhanh hơn, việc xét nghiệm chồng chéo làm lây lan dịch bệnh vì người lấy mẫu đã tiếp xúc với F0, F1 trước đó.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, có hai nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm trong khu vực phong tỏa, đó là việc người dân còn chủ quan, chưa tuân thủ tốt việc giãn cách, phòng chống dịch và việc xét nghiệm không đúng quy trình có thể gây lây nhiễm chéo. Do vậy, để kiểm soát tốt cần lưu ý 2 vấn đề trên.
Chia sẻ về nguy cơ lây nhiễm do xét nghiệm không đúng quy trình, ông Hùng cho biết, khi lấy mẫu dịch tỵ hầu, nếu nhân viên y tế dùng 1 đôi găng, không khử khuẩn găng tay sau mỗi lần lấy mẫu, có thể ô nhiễm qua găng, nên đây có thể là nguồn lây khi tiếp xúc với người lấy mẫu tiếp theo.
Trước ý kiến cho rằng việc gộp nhiều mẫu khi xét nghiệm gây nhiều bất tiện cho người dân sau khi phát hiện kết quả gộp dương tính, ông Hùng cũng cho hay: “Việc xét nghiệp gộp mẫu đã được Bộ Y tế quy định, và nên làm để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, không nên lạm dụng gộp nhiều mẫu. Ví như nên gộp mẫu theo hộ gia đình, hoặc với hộ gia đình quá ít người thì gộp cùng với người có liên quan đến hộ gia đình đó. Việc gộp quá nhiều mẫu (10-12 mẫu) từ nhiều hộ sẽ gây bất tiện cho người dân khi có kết quả dương.
Bên cạnh đó, nhân viên y tế cần có kỹ thuật lấy mẫu nhẹ nhàng, sử dụng dụng cụ tăm bông lấy mẫu mềm mại sẽ không gây đau cho mọi người và quan trọng cần đảm bảo quy trình khi lấy mẫu xét nghiệm”.
Bài học từ TP.HCM, cần phong tỏa càng hẹp càng tốt
Theo BS Trương Hữu Khanh, Chuyên gia truyền nhiễm tại TP.HCM, đã sống chung với virus thì xác định không thể nào bóc tách F0 tuyệt đối. Bài học của TP.HCM từ tháng 6, tháng 7 khi phong toả và xét nghiệm bóc F0, kết quả không thể bóc hết và dịch bùng phát mạnh hơn.
"Ở giai đoạn này nếu tỷ lệ người dân tiêm đủ 1, 2 mũi vaccine tăng cao thì phong toả cả ngõ, cả tổ dân phố khi có ca mắc là không cần thiết. Chỉ xét nghiệm những người có triệu chứng để phát hiện sớm ca bệnh", BS. Khanh nhận định.
Nhận định chung về tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng: “Mặc dù mỗi ngày, Hà Nội phát hiện trên dưới 200 ca mắc mới Covid-19, tuy nhiên số bệnh nhân mắc trở nặng, phải thở máy chiếm tỷ lệ nhỏ, không gây áp lực đối với hệ thống y tế điều trị.
Hơn nữa, Hà Nội đã thực hiện mở cửa và xác định nguồn lây nhiễm nằm ngoài cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm cao sẽ diễn ra, như vậy với con số mắc mỗi ngày như vừa qua, có thể thấy Hà Nội vẫn đang kiểm soát dịch tốt.
Điều Hà Nội cần làm hiện nay là tiếp tục tăng cường phủ rộng vaccine mũi 2 với người trên 18 tuổi, đặc biệt là đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền; Và giải quyết việc cách ly tại nhà cho ổn, chính quyền cần tuyên truyền để mọi người dân hiểu phải có trách nhiệm tham gia phòng chống dịch khi dịch đến với mình…".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận