Tại Hội thảo, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho hay, đặc điểm của giao thông vận tải Hà Nội hiện nay hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, giúp Hà Nội thuận lợi trong giao thương với các tỉnh trong vùng và cả nước.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu đặc biệt tại khu vực đô thị trung tâm trong bối cảnh dân số tăng nhanh. Mạng lưới các tuyến đường giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch.
Các tuyến đường vành đai vẫn chỉ đang triển khai từng đoạn tuyến. Hệ thống các tuyến đường hướng tâm kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh vẫn chủ yếu khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ hướng tâm hiện có.
Trong hơn 10 năm qua, dân số Hà Nội tăng trung bình từ 3-5%/năm, trong khi diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt 10,35% và diện tích dành cho giao thông tĩnh dưới 1%.
Ông Đỗ Việt Hải - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định phương án phát triển mạng lưới giao thông làm cơ sở để rà soát, điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tới.
Trong đó, phương án phát triển mạng lưới giao thông nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại". Đồng thời, phương án phát triển giao thông của Thủ đô cần đáp ứng định hướng phát triển của thủ đô gắn với 3 chuyển đổi: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Quy hoạch Thủ đô xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 khâu đột phá. Trong đó, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối liên vùng bằng các tuyến đường cao tốc, các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng, sông Đuống.
"Phát triển giao thông công cộng, cơ bản hoàn thành đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu qua sông Hồng trước năm 2035, giải quyết căn bản tình hình ùn tắc tại các cửa ngõ của thành phố và khu vực nội đô", ông Hải cho hay.
Đi vào cụ thể, ông Hải cho biết, trong giai đoạn tới sẽ hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc; nâng cấp, cải tạo các tuyến cao tốc hướng tâm hiện có, ưu tiên nâng cấp, mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua thành phố. Xây mới, nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ trong phạm vi vành đai 4 đạt tiêu chuẩn đường đô thị.
Xây dựng, hoàn thiện các trục giao thông đô thị; xây dựng mới, khép kín các tuyến đường vành đai; phát triển một số tuyến mới nhằm tăng cường kết nối giao thông giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Cùng đó, hoàn thiện hệ thống cầu vượt sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy và xây mới các cầu vượt sông đồng bộ với quy mô của các tuyến đường quy hoạch. Nghiên cứu xây dựng các tuyến giao thông dọc các sông khác kết hợp chỉnh trị lòng sông, tạo không gian phát triển mới.
Về đường sắt, sẽ đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và 2 tuyến đường sắt nhẹ. Ưu tiên các tuyến kết nối nội đô với cảng hàng không, khu công nghệ cao, các khu đô thị, các đầu mối giao thông lớn, các điểm có nhu cầu di chuyển cao trong khu vực nội độ. Nghiên cứu phương án kết nối mạng lưới đường sắt đô thị với một số trung tâm các tỉnh trong vùng.
Phát triển tổ hợp Ngọc Hồi bao gồm: nhà ga, Depot, trạm bảo dưỡng... của đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị. Nghiên cứu phương án đón, trả hành khách giữa tổ hợp Ngọc Hồi với trung tâm Hà Nội.
Phân bổ hệ thống ga đường sắt đô thị tại khu vực trung tâm hợp lý, phù hợp với định hướng cải tạo và phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển vận tải đa phương thức tại các ga đường sắt đô thị.
Hà Nội cũng sẽ tiếp tục ban hành các chính sách khuyến khích phát triển giao thông xanh dành cho từng đối tượng, đặc biệt đối với các phương tiện giao thông xanh như đường sắt, xe buýt điện, xe buýt sử dụng năng lượng sạch CNG...
Cùng đó, chính sách hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố cần được sớm thực hiện.
Theo bà Sandrine Salaun - Cơ quan quản lý giao thông Vùng Ile-de-France, hiệu quả giao thông công cộng liên quan đến mạng lưới và kết nối nội tại giữa các phương thức vận tải hoặc giữa các tuyến khác nhau của cùng một phương thức vận tải (tàu điện ngầm, xe buýt…). Kết nối đa phương thức là việc sử dụng thành công nhiều phương thức di chuyển kết nối để đi đến nơi mong muốn. Để thúc đẩy việc chuyển đổi phương tiện cá nhân sang vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, các ga, bến tàu phải dễ dàng tiếp cận và phù hợp với phương thức di chuyển.
Ông Cédric Aubouin – Cơ quan quản lý giao thông Vùng Ile-de-France cho biết, việc xây dựng Quy hoạch giao thông vận tải cho toàn bộ Vùng là bắt buộc, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải của hành khách, hàng hóa, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân. Đồng thời, nghiên cứu sự đồng bộ và hiệu quả của các chính sách về giao thông… Quá trình thực hiện quy hoạch có sự tham vấn với các chủ thể tham gia giao thông; đánh giá tác động môi trường để tích hợp các vấn đề về môi trường và quy hoạch.
Quy hoạch giao thông vận tải Vùng Ile-de-France giai đoạn 2019-2030 đề ra 14 định hướng chiến lược, bao gồm: Tiếp tục phát triển giao thông công cộng hấp dẫn, thu hút hành khách; Lấy người đi bộ là trung tâm của các chính sách về giao thông; Đưa ra lộ trình mới cho việc tiếp cận của người dân vào chuỗi di chuyển; Tăng cường sự năng động của đô thị với việc sử dụng xe đạp; Phát triển hình thức chia sẻ, sử dụng chung xe ô tô; Tăng cường kết nối đa phương thức và liên phương thức; Làm cho giao thông đường bộ trở nên an toàn hơn, bền vững và đa phương thức hơn; Chia sẻ tốt hơn hạ tầng giao thông đô thị; Điều chỉnh các chính sách giao thông tĩnh phù hợp với hoàn cảnh địa phương; Cho phép tổ chức hiệu quả hoạt động logistics, cả về kinh tế và môi trường; Thúc đẩy sự chuyển đổi năng lượng sạch của các bãi đỗ xe, xe chuyên dung, xe chở hàng nặng; Điều phối một chính sách công về giao thông chia sẻ và tương hỗ; Hành động hỗ trợ cho giao thông du lịch bền vững; Tăng cường công tác quản lý giao thông để thay đổi hành vi tham gia giao thông của người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận