Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo UBND thành phố về công tác đầu tư, quản lý sau đầu tư vỉa hè các tuyến phố.
Theo đó, Hà Nội có 7/30 quận, huyện không có dự án lát vỉa hè bằng vật liệu đá tự nhiên là Phúc Thọ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức.
Hà Nội chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến đá lát vỉa hè xuống cấp
Trên cơ sở kết luận của Thanh tra thành phố, kết quả kiểm tra hàng năm, ý kiến các sở, ngành và một số chuyên gia Sở Xây dựng đánh giá có nhiều nguyên nhân khiến đá lát hè phố bị bong bật, lún, nứt vỡ.
Trước đó, bên lề kỳ họp thứ 10, HĐND TP khóa XVI, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Võ Nguyên Phong đã thông tin với báo chí về việc lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên nhưng nhanh chóng xuống cấp đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đá lát vỉa hè giai đoạn trước khai thác bằng phương pháp nổ mìn, cho nên đá bị om.
Ngoài ra, đá tự nhiên thường có gân đá, không được đồng chất nên khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý.
Trong đó, công tác khảo sát, thiết kế tại các dự án chỉnh trang vỉa hè của nhiều đơn vị chưa đầy đủ số liệu thông tin địa chất, hiện trạng sử dụng vỉa hè. Hồ sơ chưa có thiết kế chi tiết giải pháp xử lý đối với các vị trí khớp nối hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm, tủ điện, chân cột đèn, gốc cây.
Thuyết minh thiết kế trong hồ sơ chưa nêu rõ cơ sở, tiêu chí trong việc tính toán lựa chọn kích thước viên đá tùy theo đặc điểm, yêu cầu sử dụng của từng tuyến phố dẫn đến thực tế tại một số dự án tỷ lệ kích thước của viên đá lát (chiều dày so với kích thước dài, rộng) chưa phù hợp.
Tại một số dự án, việc khảo sát, thiết kế một số vị trí đường đi cho người khuyết tật chưa phù hợp.
Việc đánh giá nguồn cung cấp vật liệu đá chưa đầy đủ, chi tiết làm cơ sở lựa chọn chủng loại đá có yêu cầu kỹ thuật phù hợp, đảm bảo các tiêu chí theo thiết kế. Một số viên đá lát không đảm bảo khả năng chịu lực uốn, chịu mài mòn theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng đánh giá quy trình, kỹ thuật thi công các lớp kết cấu vỉa hè tại một số dự án chưa đảm bảo; chưa bố trí khe co giãn nhiệt hoặc có khe co giãn nhưng chưa hợp lý; việc bảo dưỡng, bảo quản vỉa hè sau khi lát đá chưa đảm bảo quy định.
Có hiện tượng mặt hè vừa lát đã có người và phương tiện sử dụng ngay, gây ra hiện tượng đá lát dễ bị bong tróc, nứt vỡ.
Một số tuyến phố đã đầu tư lát đá vỉa hè nhưng chưa đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.
Trong quá trình sử dụng, đơn vị hạ ngầm thoát nước, điện lực, viễn thông rồi khi hoàn trả không đảm bảo kỹ thuật, dẫn tới những hư hại, xuống cấp công trình.
Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng vỉa hè tại một số tuyến phố không đúng với công năng sử dụng. Tại một số vị trí, kết cấu hè được thiết kế chỉ áp dụng cho người đi bộ, xe thô sơ.
Tuy nhiên, thực tế sử dụng lại thành nơi dừng đỗ của nhiều xe ô tô hoặc làm vị trí lên xuống của nhiều phương tiện giao thông có tải trọng lớn.
Vào giờ cao điểm, một số tuyến phố có hiện tượng các xe cơ giới di chuyển trên vỉa hè gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và độ bền của vật liệu lát vỉa hè.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội để khắc phục tình trạng trên các quận, huyện cần lựa chọn sử dụng nhóm đá có độ bền uốn cao, kích thước phù hợp hoặc tăng chiều dày tấm đá lát. Cần quản lý chất lượng ngay từ khâu lập hồ sơ thiết kế, tổ chức quản lý kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ các loại đá lát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận