Tin từ Sở GTVT Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố đã xử lý được 11/37 điểm đen ùn tắc, phấn đấu xử lý thêm 1-2 điểm từ nay đến cuối năm. Đáng nói, theo Sở GTVT Hà Nội, có thể phát sinh thêm 8 điểm ùn tắc mới.
Theo cơ quan này, Hà Nội hiện có 38 tuyến đường đang bị rào chắn, thu hẹp mặt cắt để thi công công trình, dẫn đến ùn tắc giao thông.
Điển hình, có dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương giai đoạn 2 trên trục đường Âu Cơ - Xuân Diệu; Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, cầu vượt tại nút giao Mai Dịch; Hầm chui Kim Đồng. tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3.
Đặc biệt, các hạng mục thi công của dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá chạy dọc trục Lê Trọng Tấn - Trần Phú (Hà Đông) - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển thường xuyên gây ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Đồng thời, các tuyến đường giao thông trục chính, cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông luôn vượt công suất thiết kế. Do đó, chỉ cần xảy ra một sự cố va chạm, tai nạn cũng sẽ dẫn đến ùn tắc.
Vào giờ cao điểm ở các tuyến đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng..., lưu lượng phương tiện cũng vượt 1,8 lần so với thiết kế. Nút Ngã Tư Sở có lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện một giờ, nhưng hiện lên đến 8.000, nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.
Tương tự, tại cầu Chương Dương, hiện 95.000 phương tiện qua cầu mỗi ngày đêm, gấp 8 lần thiết kế, cầu Thanh Trì 120.000 phương tiện, gấp 4 lần, cầu Nhật Tân 107.000 phương tiện, gấp 6 lần.
Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT Hà Nội đã thành lập 4 tổ công tác liên ngành gồm Sở GTVT, Công an thành phố và chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý bất cập trong tổ chức giao thông và giải quyết các điểm ùn tắc giao thông, điểm đen về tai nạn giao thông.
Ông Thường cũng nhận định từ nay đến cuối năm, tình trạng ùn tắc ngày càng nhiều, do vậy hằng tuần Sở đều chủ trì cuộc họp riêng về vấn đề này.
Song, theo ông Thường, các giải pháp tổ chức giao thông, xén dải phân cách, vỉa hè... chỉ giải quyết phần ngọn, căn cơ là phải ưu tiên đầu tư xây dựng cầu vượt, hầm chui ở những nút giao thông trọng điểm.
Được biết, dân số của Hà Nội hiện trên 8 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố).
Số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến tháng 10 trên 7,8 triệu, trong đó ô tô khoảng 1,1 triệu, mô tô khoảng 6,8 triệu, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Điều này cho thấy, phương tiện cá nhân tăng 4-5% nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông 0,6% chưa theo kịp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận