Quản lý

Hà Nội: Ngang nhiên biến gầm cầu thành bãi giữ xe

20/12/2017, 07:18

Việc lập các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu là hoàn toàn trái các quy định của Nhà nước, gây áp lực...

4

Bãi gửi xe vẫn ngang nhiên tồn tại bất chấp lệnh cấm của Thông tư 35  (Ảnh chụp tại bãi xe gầm cầu Mai Dịch)

Gầm cầu vẫn nhộn nhịp trông giữ xe

Theo Thông tư số 35 của Bộ GTVT có hiệu lực từ ngày 1/12/2017, quy định tất cả các bãi đỗ xe, kinh doanh dưới gầm cầu đường bộ sẽ không được phép hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, rất nhiều khu vực của Hà Nội vẫn nhan nhản trông giữ xe dưới gầm cầu.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, chiều 15/12, tại gầm cầu vượt Mai Dịch (Q. Cầu Giấy), bãi gửi xe khoảng hơn 1.000m2 nhộn nhịp người ra, kẻ vào. Trong bãi, hàng trăm ô tô, xe máy ken kín. Bên ngoài bãi, vẫn cắm biển do Sở GTVT Hà Nội cấp phép trông giữ xe cho Công ty TNHH Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, nhưng không ghi thời hạn.

Vào sâu bên trong bãi gửi xe này, PV chứng kiến mọi hoạt động trông giữ xe vẫn diễn ra bình thường, công ty vẫn kê bàn viết vé, có bóng điện, tivi, loa đài và 2 người túc trực trông giữ. Phía xung quanh gầm cầu vẫn được đơn vị phủ kín bằng hàng rào lưới sắt... Đáng nói, sau hơn nửa tháng có thông tư mới, các lực lượng liên ngành CSGT, CSTT, Thanh tra GTVT vẫn chưa có dấu hiệu kiểm tra, xử lý.

Tại cầu vượt đường Văn Cao - Hoàng Hoa Thám (phường Thụy Khuê, Q.Tây Hồ), gầm cầu vẫn được trưng dụng để làm bãi trông giữ ô tô, xe máy ngày và đêm. Gần 50 xe ô tô đỗ tràn lên dải phân cách, len lỏi giữa các cây xanh gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Chị Nguyễn Thị Dương, người dân ở khu vực cho biết: “Bãi gửi xe không hề có hàng rào bảo vệ, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn cháy, nổ hoặc mất cắp”.

Tương tự, khu vực ngã tư Cầu Giấy - Láng vẫn tấp nập xe ra - vào bãi đỗ xe dưới gầm cầu. Trên tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, một số vị trí, các tấm tôn ngăn đường trong công trường với đường giao thông đã được tháo dỡ. Tuy nhiên, phần diện tích này không dành cho các phương tiện lưu thông mà trở thành điểm đỗ xe trái phép, gây mất mỹ quan đô thị và ATGT.

Không cấp phép mới trông giữ xe dưới gầm cầu

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội có 13 điểm trông giữ xe dưới gầm cầu, trong đó có 9 điểm được cấp giấy phép tạm thời trông giữ để đáp ứng một phần nhu cầu giao thông tĩnh và 4 điểm không có giấy phép trông giữ.

Cũng theo ông Tuấn, hiện Sở GTVT Hà Nội đã thu hồi và không gia hạn trông giữ phương tiện đối với gầm cầu vượt Văn Cao, cầu vượt Mai Dịch. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại 3 khu vực gầm cầu đang tổ chức trông giữ phương tiện đã được UBND TP cấp phép như: Gầm cầu Vĩnh Tuy có 6 vị trí trông giữ phương tiện; gầm cầu Chương Dương có 2 vị trí trông giữ phương tiện miễn phí, phục vụ mở rộng không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội; gầm cầu vượt ngã tư Vọng có 1 vị trí trông giữ phương tiện để phục vụ nhân dân khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/12/2017 yêu cầu các tỉnh, thành phố: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác”. Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước ngày 1/12/2017, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ.

Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tiếp nhận mặt bằng do tổ chức, cá nhân bàn giao. Trường hợp hết thời hạn sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tạm thời không thực hiện hoàn trả, cơ quan quản lý đường bộ xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho UBND các cấp để tổ chức cưỡng chế giải tỏa theo quy định.

“Cả 3 gầm cầu này đều phục vụ nhân dân, bệnh nhân, vì vậy Hà Nội sẽ xin cơ chế đặc thù để có thể cấp phép đến hết năm 2017. Các vị trí gầm cầu đường bộ khác Sở GTVT Hà Nội không cấp phép trông giữ phương tiện. Các phương tiện dừng, đỗ đều không đúng quy định”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Phạm Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cũng cho biết, hiện nay đơn vị đang quản lý 4 điểm đỗ khu vực gầm cầu. Cụ thể là, gầm cầu Vĩnh Tuy quản lý từ năm 2010; 1 đoạn cầu Chương Dương; gầm cầu ngã tư Vọng và gầm cầu Mai Dịch.

Cũng theo ông Đức, công ty đã biết quy định của Thông tư 35, tới đây sẽ chấp hành nghiêm. Công ty sẽ giải tỏa gầm cầu Mai Dịch theo quy định. Còn 3 gầm cầu: Vĩnh Tuy, Chương Dương, ngã tư Vọng sẽ theo quy định của UBND TP Hà Nội.

Thượng tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP Hà Nội cho biết, việc lập các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu là hoàn toàn trái các quy định của Nhà nước, gây áp lực cho giao thông trên tuyến đường, nhất là giờ cao điểm. Đó là chưa kể đến nguy cơ cháy, nổ sẽ ảnh hưởng đến kết cấu dầm cầu, nguy cơ sập cầu. Bởi vậy, việc xử lý các bãi trông giữ xe chiếm dụng gầm cầu là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế tại Thủ đô Hà Nội, với khả năng đáp ứng khoảng 10% nhu cầu gửi xe của người dân cộng thêm quy định cấm đỗ xe giữa lòng đường, vỉa hè ở hàng trăm tuyến phố khiến Hà Nội đang “khát” địa điểm gửi xe.

Theo Quy hoạch số 165 về mạng lưới các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố đến năm 2020, Hà Nội sẽ dành tổng quỹ đất cho giao thông tĩnh là 796,82ha. Tuy nhiên, đến nay, theo Sở GTVT Hà Nội mới bố trí được khoảng 91,16ha (chiếm 0,21%) đất xây dựng đô thị. Bởi vậy, thành phố đang rơi vào cảnh thiếu điểm, bãi đỗ xe tĩnh nghiêm trọng. Đây chính là những lý do khiến các bãi xe dưới gầm cầu vẫn tồn tại cho đến bây giờ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.