Giá thuê dự kiến từ 20 - 40 nghìn đồng/m2/tháng
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đã phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học, đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng vỉa hè tại 123 tuyến đường, phố do UBND 16 quận, huyện đề xuất.
Trong đó, 11 quận gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên và 5 huyện gồm: Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng.
Quận Hoàn Kiếm được nghiên cứu 40 tuyến phố, là địa phương có số lượng đạt tiêu chuẩn cho thuê vỉa hè lớn nhất.
Từ kinh nghiệm của một số nước đã nghiên cứu và của một số đô thị trong nước, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất 6 tiêu chí để cho thuê vỉa hè.
Cụ thể, một là hè phố cho phép kinh doanh phải có vỉa hè rộng tối thiểu 3m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ ở quận Hoàn Kiếm); bề rộng hè phố đảm bảo từ 3m trở lên để đáp ứng cho người đi bộ 1,5m, bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần để kinh doanh và trông giữ phương tiện.
Đối với khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3m, được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác do UBND quận cấp phép.
Các tiêu chí tiếp theo là đảm bảo chỗ đỗ xe cho khách tại chỗ hoặc trong phạm vi cho phép; hoạt động kinh doanh phải đảm bảo yếu tố an toàn, văn minh; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường; hè phố tổ chức kinh doanh phải được UBND cấp quận, huyện cấp phép về thời gian và mặt hàng kinh doanh.
Đặc biệt, đối với hộ kinh doanh di động phải được trang bị quầy bán hàng theo quy cách được UBND cấp huyện ban hành.
UBND cấp quận, huyện cần lấy ý kiến của người dân trước khi tiến hành cho kinh doanh vỉa hè, đường phố hoặc trông giữ xe tạm thời nhằm tạo sự đồng thuận.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề xuất 9 mô hình áp dụng với vỉa hè có bề rộng mặt cắt từ tối đa 1,5m đến hơn 7,5m để kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế đô thị, tạm trông giữ phương tiện giao thông.
Trong đó, mô hình 1 áp dụng với khu vực phố cổ không cho phép kinh doanh nếu chiều rộng vỉa hè chỉ đảm bảo tối đa là 1,5m. Cụ thể, nếu chiều rộng vỉa hè chỉ đạt tối đa 1,5m thì sử dụng toàn bộ không gian dành cho người đi bộ, người khuyết tật.
Nếu vỉa hè rộng từ 1,5m - 3m khoảng chiều rộng còn lại sát công trình, nhà ở được cấp phép kinh doanh; riêng 1,5m chiều rộng phần tiếp giáp lòng đường dành cho người đi bộ, người khuyết tật.
Phạm vi áp dụng đối với mô hình 1 là khu vực phố cổ trong thời gian tổ chức không gian phố đi bộ hoặc thời gian khác được UBND quận cấp phép, đồng thời phải thỏa mãn các tiêu chí cơ bản trong đề án.
Các mô hình còn lại áp dụng với vỉa hè có bề rộng lớn hơn 3m đến hơn 7,5m, trong đó ưu tiên tối thiểu 1,5m bề rộng ở giữa dành cho người đi bộ, khoảng không bên trong sát nhà ở, công trình được bố trí để kinh doanh còn phần vỉa hè tiếp giáp lòng đường được cho đỗ xe đạp, xe máy nếu đảm bảo diện tích.
Dự thảo cũng đưa ra quy định khai thác, sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường để trông giữ phương tiện. Việc cấp mới, điều chỉnh, thu hồi giấy phép cho thuê hè phố để trông giữ phương tiện hoặc kinh doanh do Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện thực hiện theo phân cấp.
Trong nội dung giấy phép phải quy định rõ phạm vi, thời gian, tổ chức, cá nhân được sử dụng một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ hoặc kinh doanh.
Phí sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện hoặc kinh doanh được xác định theo Nghị quyết số 6 ngày 7/7/2020 của HĐND thành phố, từ 20-40 nghìn đồng đồng/m2/tháng.
Không chỉ để thu phí
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, mục đích của đề án này nhằm quản lý lòng đường, vỉa hè có trật tự, không đơn thuần chỉ là quản lý để kinh doanh.
"Hiện nay, ở các vỉa hè tồn tại kinh doanh rồi, nhưng không được quản lý. Bây giờ lập đề án để quản lý bài bản, trật tự hơn. Tuy nhiên, nếu thu phí được thì càng tốt", ông Công nói.
Ông Nguyễn Thế Công cũng cho biết, đề án này cũng quy định chi tiết công năng sử dụng vỉa hè.
"Chỗ nào được để xe, chỗ nào được kinh doanh. Nơi kinh doanh này phải đảm bảo tuân thủ mô hình được duyệt. Các vị trí vỉa hè đều được đấu thầu", ông Công nói và cho biết, sắp tới tại quận Hoàn Kiếm sẽ có đơn vị hỗ trợ lắp camera để quản lý, nếu cá nhân, tổ chức thuê ra khỏi phạm vi vỉa hè được kinh doanh là sẽ bị "tuýt còi" ngay.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cũng cho hay, sắp tới sẽ tổ chức hội thảo để lắng nghe những ý kiến của chuyên gia và tham luận của quận Hoàn Kiếm (nơi đã tổ chức thí điểm cho thuê vỉa hè) về nội dung này.
"Trong tham luận của quận Hoàn Kiếm sẽ có báo cáo tổng kết, bài học kinh nghiệm về quá trình thực hiện cho thuê một số vỉa hè trong thời gian qua", ông Công nói.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng, khi không thể xóa bỏ hoàn toàn những hoạt động kinh tế trên vỉa hè thì nên cho phép kinh doanh theo các tuyến đường và quản lý.
Ông Tùng nêu phương án xây dựng thí điểm cho thuê vỉa hè để kinh doanh. Đối với những khu vực vỉa hè có khả năng kinh doanh thì phải xây dựng đề án cho thuê nhưng phải trên nguyên tắc giữ gìn.
"Việc kết hợp giữa đi bộ và các công năng cũng là để phát triển kinh tế. Điều này sẽ đảm bảo hài hòa giữa vấn đề mưu sinh của người dân và vấn đề trật tự, mỹ quan đô thị", ông Tùng cho hay.
Với bài toán kinh tế vỉa hè, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII đề xuất Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ vỉa hè tuyến phố nào đủ điều kiện cho các tiểu thương buôn bán, vỉa hè nào không. Từ đó, TP Hà Nội có thể xây dựng đề án thí điểm cho buôn bán trên vỉa hè một cách hợp lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận