Kinh tế

Hà Nội: Người dân quận Bắc Từ Liêm kiếm tiền tỷ nhờ trồng bưởi Diễn

21/01/2023, 13:30

Bưởi Diễn Bắc Từ Liêm ngoài hương vị đặc biệt làm siêu lòng nhiều thượng khách, nó còn giúp người dân nơi đây có thu nhập tiền tỉ mỗi năm.

Thu nhập 1,7 tỉ/vụ

Không sinh ra tại Hà Nội, thế nhưng chị Nguyễn Thị Duyên (Ninh Bình) đã về Bắc Từ Liêm, Hà Nội sinh sống hơn gần chục năm. Cũng từ đó, chị có thêm quê hương thứ 2, quê của bưởi Diễn.

Tự hào với biệt danh Duyên Diễn, mỗi dịp Tết đến, chị lại bớt thời gian đi tìm sản vật đặc biệt này làm quà biếu Tết cho gia đình, bạn bè.

img

Vườn bưởi 1,3 mẫu của ông Nguyễn Duy Trước, quận Bắc Từ Liêm

Năm nay cũng không ngoại lệ, ngày cận Tết Nguyên đán 2023, chị lang thang khắp các vườn bưởi thôn Vân Trì, phường Minh Khai để tìm cho mình những giỏ quà tươi nhất.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông về tầm nhìn giải pháp trong chuyển đổi nghề nghiệp sau khi thu hồi đất trồng bưởi Diễn phục vụ phát triển đô thị, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Minh Khai kỳ vọng, người dân sẽ chuyển sang hoạt động dịch vụ thương mại như xây nhà trọ cho thuê, dịch vụ ăn uống... những nguồn thu này sẽ giúp người dân ổn định hơn về thu nhập.

"Phường cũng cố gắng duy trì 1 vùng đặc sản. Nhưng cơ bản, song song với phát triển kinh tế - xã hội là đô thị hoá, điện, đường trường trạm phục vụ đời sống nhân dân.

Đại diện quận Bắc Từ Liêm cũng cho biết, quận cũng đang tìm cách để bảo tồn giống bưởi Diễn. Nhưng đặc thù là cơ quan quản lý nhà nước, quận đang vướng nhiều chính sách như: quy hoạch, cơ chế và chức năng đơn vị bảo tồn... trước mắt vẫn là vận động trồng, bảo tồn giống bưởi trong nhân dân.

Chị Duyên chia sẻ, nếu như bưởi thường cùi dày, vị he, chua chua, thì bưởi Diễn quả tròn, nhỏ, mỏng vỏ, vàng và thơm, "thơm cả tháng". Khi bóc ra, tôm bưởi căng bóng, đều nhau, có màu vàng tươi.

Cũng đang gom quà biếu Tết, chị Nguyễn Thuý Quỳnh (Nam Định) vừa bóc quả bưởi ăn thử vừa chêm lời, bưởi Diễn xịn (bưởi Diễn được trồng tại quận Bắc Từ Liêm-PV) bóc ra múi khô, gọn, không bị dập. Nhưng khi ăn lại nhiều nước.

Lượng đường cao và đặc, đặc tới mức nhỡ rớt xuống quần áo cũng không thấm vào vải nên rất ngọt. Tôm bưởi giòn, cảm giác tan chảy, không gợn gợn bã, tê tê miệng như nhiều giống bưởi khác.

"Bưởi Diễn ngọt mát, thanh thanh, ăn đến no được. Càng để lâu bưởi xuống nước ăn càng ngọt. Hơn chục năm nay, năm nào tôi cũng đặt khoảng 1.000 quả để nhà ăn và mang biếu", chị Quỳnh chia sẻ.

Cũng bởi hương vị đặc biệt và có những khách hàng "ruột" như chị Duyên, chị Quỳnh mà bao năm nay, bưởi Diễn luôn trong tình trạng "cháy hàng". Nhờ thế người dân Bắc Từ Liêm đổi đời.

Gắn bó với cây bưởi hơn 30 năm nay, ông Nguyễn Duy Trước (Minh Khai) cho hay, ông có 2 vườn, 1 vườn 1,3 mẫu, 1 vườn 5 sào. Chỉ tính riêng vườn 1,3 mẫu, năm nay thu khoảng 4 vạn quả, giá bán ra bình quân khoảng 70.000đ/quả. Trừ đầu trừ đuôi, mỗi vụ ông thu về khoảng 1,6 tỷ - 1,7 tỷ đồng.

img

Cả vườn bưởi 1,3 mẫu chỉ còn lại 2 cây khách đặt trước chờ hái

Ghi nhận thực tế của PV tại đây, cả vườn bưởi cả nghìn gốc trơ lá, còn lại một vài cây để dành cho khách quen đã đặt trước. Ông Trước nói: "giờ khách đặt cũng không có".

Để có thêm thời gian chăm sóc bưởi, đặc biệt là thời gian này, vợ chồng ông Trước đã dọn nhà ra ở tại vườn, bỏ không mấy ngôi nhà trong làng.

Ông Trước ví, cây bưởi cũng như người, phải chăm sóc thường xuyên, nhất là những dịp sau hái. Bởi bưởi hái quả xong tự héo, không khác gì người ốm, một tuần đến mười ngày sau mới bắt đầu hồi lại. Và lại, ở mỗi độ tuổi, nhu cầu tưới bón khác nhau, chỉ cần sơ ý là mất cây, vì thế mà ông không còn thời gian để an nhàn.

Ông Trước nhớ lại, những ngày đầu trồng bưởi, khoảng năm 1989, cả vùng chủ yếu cấy lúa. Ông là một trong những người đi đầu trong chuyển đổi giống cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm. Lúc ấy, ông đã bán đi 2 cây vàng (khoảng năm 1991-1992) lấy khoảng 5 triệu, "năm triệu khi ấy mua được cả cái nhà" để gom đất và tôn nền.

Lúc ấy cũng không có phương tiện hiện đại, chỉ gánh bằng dành, mỗi dành chỉ hơn xẻng. "Ấy cứ thế cho đến khi hoàn thành kỳ được mẫu vườn! Nhiều hôm về đến nhà mệt, người bê bết bùn đất mà nằm sõng soài ngủ thiếp đi".

Nhấp chén chè chát, ông Trước kể tiếp, xót nhất là năm 2008, năm ấy, trồng xen bưởi và 150 gốc cam. Cam sai trĩu quả, mỗi cây 2-3 tạ. Nhưng sau trận mưa lịch sử, nước ngập lưng người, cả 150 gốc chìm trong nước, hơn 40 tấn cam mất trắng. Công sức" đổ xuống sông xuống biển".

img

Bưởi Diễn quả nhỏ, vàng và ngọt

Nhưng cái khó ló cái khôn, sự cố lịch sử ấy giúp ông phát hiện ra sức sống mãnh liệt của giống bưởi Diễn. Từ đó đến nay ông bỏ cam, kỳ công chăm sóc bưởi. Mỗi độ Tết đến, mỗi gốc thu khoảng 300 quả, sơ sơ thu về khoảng 20 triệu/cây.

Nhiều người đến hỏi mua triết giống, khoảng 100 nghìn/cành giâm nhưng ông từ chối. Bởi mỗi cành ông nuôi cho ra 2-3 quả, thu về 200-300 nghìn đồng/vụ.

Khoảng 2 tiếng đồng hồ, hơn chục cuộc điện thoại gọi điện hỏi mua bưởi nhưng ông Trước từ chối, bởi "còn bưởi nữa đâu!". Ông cho biết, khách tìm đến đủ mọi miền, chỉ vài phút nữa ông cũng phải bứt trả chuyến hàng Sài Gòn. Ấy là mối hàng cũng đã hơn chục năm.

"Vị này hay lắm! Chuyến hàng đầu tiên, họ nhất định không cọc. Chỉ có một thoả thuận duy nhất đó là cứ chuyển hàng, hàng ngon, chuẩn thì chuyển lại tiền. Chẳng quen biết, thế nhưng tôi tự tin và liều lĩnh gửi hơn 100 quả (khoảng 4 triệu đồng), hàng không bảo đảm để chào khách. Có uy tín, sau này, mỗi độ bưởi chín, gọi điện báo là chốt không cần trình bày nhiều nữa", ông Trước kể.

Nỗi lo bưởi Diễn thất truyền

Ông Trước chỉ là một trong những lão nông đang hàng ngày gắn bó với nghề trồng bưởi Diễn. Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Minh Khai, trên địa bàn có khoảng 300 hộ trồng bưởi. Thu nhập bình quân khoảng 700 triệu/ha. Nếu chia đầu người theo tháng thì thu nhập khoảng hơn chục triệu/người/tháng. Nếu so sánh với lương đi làm công nhân thì bưởi cho thu nhập cao hơn.

Còn theo tổng hợp của UBND quận Bắc Từ Liêm, toàn quận có khoảng 347 hộ trồng bưởi Diễn với khoảng 151ha, doanh thu 66 triệu/sào.

Thu nhập từ cây bưởi Diễn đang giúp bà con Bắc Từ Liêm ổn định đời sống. Thế nhưng, trước thực trạng đô thị hoá, người dân nơi đây đang đứng trước lo lắng thất truyền đặc sản tiến vua. Bởi theo quy hoạch đến 2030, tầm nhìn 2050, quận Bắc Từ Liêm là quận đô thị, sẽ không còn sản xuất nông nghiệp, đóng góp tỷ trọng kinh tế từ sản xuất nông nghiệp bằng không.

Riêng phường Minh Khai, hiện nay có khoảng 100ha trồng bưởi, tới đây sẽ thu hồi hơn 90ha phục vụ quy hoạch công viên, hồ điều hoà, khu công nghệ cao sinh học.

Do đó, người dân mong mỏi, cơ quan chức năng, TP Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm... có giải pháp, giữ lại những vùng bưởi quý đang có. Bởi họ cho rằng, bản thân vườn bưởi cũng đã là những công viên xanh, không những xanh về môi trường mà còn xanh và giá trị kinh tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.