Nhiều nhà vệ sinh tại Hà Nội xập xệ, cửa đóng then cài (Nhà vệ sinh trên đường Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) |
Rất nhiều nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trên địa bàn Hà Nội đang bị chiếm dụng làm nơi bán nước, nhân viên trông giữ kiêm luôn chủ quán nước, “bỏ bê” công tác lau dọn khiến nơi đây xuống cấp và nhếch nhác nghiêm trọng.
Nhân viên kiêm chủ quán nước, bỏ mặc NVSCC xuống cấp
Chiều 12/11, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều NVSCC bị xuống cấp, hỏng thiết bị.
Tại NVSCC khu vực vỉa hè trước Trường Phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao Hà Nội trên đường Lê Đức Thọ, hình ảnh đập vào mắt PV là một nhà vệ sinh còn khá mới. Tuy nhiên, bước vào phía trong, hầu hết trang thiết bị của NVSCC này lại chỉ để “làm cảnh”. Bồn rửa tay mất van nước, bóng đèn không có điện, bồn tiểu không có nước xả.
Ngày 8/11, Bộ Nội vụ đã trao quyết định thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Nhiều người đang kỳ vọng, khi có hiệp hội này các NVSCC trên cả nước sẽ được đầu tư xây dựng khang trang và quản lý hiệu quả hơn, tránh tình trạng làm cho có rồi để chiếm dụng và xuống cấp như hiện nay. |
PV dò hỏi một số người xung quanh xem ai trông coi, lúc này chị Húy đang chăm chăm rót nước cho khách mới đứng dậy nói chị là nhân viên trông giữ nhà vệ sinh này. Theo chị Húy, hệ thống điện của nhà vệ sinh đã mất cách đây 2 tháng, vòi nước cũng bị hỏng hơn chục ngày, sự cố đã được báo cho đơn vị quản lý song nhiều ngày vẫn chưa có ai đến khắc phục.
Cách đó không xa, NVSCC đầu đường Tân Mỹ (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) còn thảm cảnh hơn. Buồng vệ sinh cũ kĩ, bừa bộn, bồn rửa tay không có vòi, hệ thống nước tắc, thay vào đó là những xô nước đục ngầu. Phía ngoài chi chít những vết sơn kẻ vẽ số điện thoại và những mẩu giấy dán thông tin quảng cáo. Khoảng sân đằng trước là những hàng gạch men vỡ vụn, sứt mẻ, lâu ngày không được thay thế.
Đáng nói, NVSCC dù được thiết kế với 4 buồng vệ sinh nhưng hiện tại, chỉ có 2 buồng được đưa vào sử dụng, 2 buồng còn lại luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Một nhân viên trông coi ở đây cho biết, hệ thống nước bị hỏng. “Tình trạng mất nước, xuống cấp chúng tôi cũng đã báo cáo với đơn vị phụ trách, nhân viên kỹ thuật đã liên lạc sẽ xuống lắp đặt lại hệ thống nước nhưng mấy tháng nay không thấy tăm hơi đâu”, nhân viên này nói.
Tương tự, NVSCC trước cổng Đại học Thương Mại trên đường Hồ Tùng Mậu còn… thảm hại hơn. 2 buồng vệ sinh chỉ sử dụng được một, một buồng còn lại được nhân viên trông coi tận dụng làm nhà kho chứa đủ các thứ tạp phẩm bừa bộn, nhếch nhác phục vụ bán nước. Ghi nhận của PV cho thấy, nhà vệ sinh này không vòi rửa tay, cánh cửa bong tróc, được vá víu bằng những miếng băng dính tạm bợ. Thậm chí, bồn tiểu dù có nhưng đã bị bít kín.
Nhà vệ sinh được trưng dụng làm nơi chứa đồ |
Hai năm dự án xây 500 nhà vệ sinh vẫn giậm chân tại chỗ
Liên quan đến tình trạng nhân viên trông giữ NVSCC kiêm luôn chủ quán nước, trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Hiệp, phụ trách truyền thông của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, đây là hành động tự phát của nhân viên, chủ trương của công ty không cho phép. “Chúng tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo công ty để có hình thức kỷ luật đối với các chi nhánh có nhân viên vi phạm”, ông Hoàng Hiệp cho biết.
Cũng theo ông Hiệp, đến tháng 11/2018, đơn vị này mới nhận bàn giao được 83 NVSCC từ Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing. Đợt bàn giao cuối cùng của Công ty Vinasing đã cách đây gần 1 năm. Theo đó, ngày 23/11/2017, Vinasing đã bàn giao 50 NVSCC (thuộc giai đoạn II) cho đơn vị vận hành. “Một số NVSCC Vinasing bàn giao vừa sử dụng được một thời gian ngắn nhưng nhiều thiết bị đã hư hỏng. Tuy vậy, Vinasing lại rất chậm trễ trong công tác khắc phục, sửa chữa”, ông Hiệp nói.
Trong khi đó, đại diện Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing cho biết, cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho công ty đầu tư xây dựng 500 NVSCC, dự kiến hoàn thành vào ngày 10/10/2017. Tuy nhiên, quá trình thi công dự án gặp nhiều khó khăn trong việc lắp đặt. Tại nhiều địa điểm, người dân không đồng tình cho đơn vị thi công lắp đặt do lo ngại NVSCC này sẽ làm ô nhiễm môi trường sống xung quanh.
“Trường hợp NVSCC có một số thiết bị hỏng, chúng tôi cũng đang lên kế hoạch khắc phục đồng bộ”, đại diện Vinasing khẳng định.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện nay, tổng số NVSCC trên địa bàn TP Hà Nội hiện chỉ có 371 nhà (không bao gồm số nhà vệ sinh do Vinasing mới lắp đặt). Trong đó, 113 nhà vệ sinh bằng vỏ thép, hầu hết được xây dựng từ năm 2003 - 2010. Còn lại 258 nhà vệ sinh bằng gạch, hầu hết được xây dựng từ trước năm 1990 nhằm phục vụ nhu cầu vệ sinh tại các khu dân cư và được phân bố trong các khu nhà dân, khu tập thể, nằm sâu trong ngõ.
Đỏ mắt tìm nhà vệ sinh công cộng ở TP HCM TP HCM hiện có hơn khoảng 10 triệu người dân chưa kể du khách nhưng chỉ có khoảng hơn 200 NVSCC. Con số khá khiêm tốn khiến phần lớn người dân cũng như du khách rất khó tiếp cận với dịch vụ công cộng được xem là rất thiếu, yếu và quan trọng này. Ghi nhận của PV, ngay tại quận 1 và quận 3, NVSCC thường nằm lẩn khuất trong các công viên, chợ búa, bệnh viện… hoạt động theo hình thức miễn phí và có thu phí phục vụ. Tại khu vực nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố và công viên 30/4 (trước Hội trường Thống Nhất) luôn đông khách du lịch đến tham quan nhưng “đỏ mắt” không tìm thấy nhà vệ sinh. Tương tự, từ đường Đồng Khởi đến Phạm Ngọc Thạch lên hồ Con Rùa, sang Võ Văn Tần, Nam Kỳ Khởi Nghĩa không thấy một NVSCC nào. Trong khi đó, NVSCC ở các công viên 23/9, Lê Văn Tám, Tao Đàn, khi khách có nhu cầu không biết để xe ở đâu, nhờ ai giữ. Nhiều người dựng xe trước cửa che lối ra vào. Một chị lao công nhà vệ sinh ở công viên 23/9 cho biết: “Nhiều người ý thức kém, phóng uế bừa bãi trong nhà vệ sinh. Trung bình mỗi ngày, bọn chị phải thay nhau lau dọn đến 5 lần”. Còn NVSCC công viên Tao Đàn cũ nát, thiết bị vòi rửa, bồn cầu… đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Bên ngoài cửa ra vào đều có niêm yết giá, khách phải trả 3.000 đồng/lượt. Còn tại cửa số 10 chợ Bến Thành (quận 1) hai NVSCC được xây dựng khang trang, thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, lối ra vào nhà vệ sinh đã bị chủ sạp bày kín hàng, nhiều người dù muốn giải quyết “nhu cầu” nhưng không dám vào. Sỹ Đồng |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận