Điểm trông giữ xe trước đền Quán Thánh, Hà Nội. |
Mặc dù giá trông giữ phương tiện được niêm yết ngay trên bảng ở các điểm trông giữ xe tại nhiều phủ, chùa, đền, điểm giao lưu văn hóa, song trên thực tế du khách vẫn bị thu cao hơn so với giá quy định, dù không nhiều.
“Chém nhẹ tay”
Theo ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông trong vài ngày qua, tình trạng các điểm trông giữ xe “chặt chém” không còn lộng hành như những năm trước. Hầu hết các điểm đều thu giá cao hơn so với quy định, tuy nhiên, số tiền chênh lệch không quá lớn.
Sáng 3/2 (mùng 6 Tết), tại điểm trông giữ phương tiện trước cửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa), khi PV vào gửi xe máy thì được nhân viên tại đây ghi số và đưa vé, trên vé ghi hàng chữ “Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Vé trông giữ xe máy ban ngày” với giá tiền 3.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, khi ra cổng, nhân viên lại yêu cầu thu 5.000 đồng. Khi PV thắc mắc, người này cười và cho hay: “Ngày Tết, 3.000 đồng thì tiêu được gì đâu!”.
Tương tự, tại điểm trông giữ xe của phường Quán Thánh, quận Ba Đình, trước cửa đền Quán Thánh cũng đặt một tấm biển to ngay phía ngoài, ghi rõ giá vé 3.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, khi lấy xe ra, tất cả khách gửi đều được yêu cầu trả 5.000 đồng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại điểm trông giữ xe trước cửa Phủ Tây Hồ, quận Tây Hồ - nơi thu hút hàng vạn lượt du khách trong những ngày đầu năm mới.
Đáng chú ý, tại một số điểm có thêm dịch vụ trông giữ xe ô tô, tất cả đều thu với giá vé 30.000 đồng/lượt, PV chưa ghi nhận trường hợp nào bị “chặt chém”.
Tuy nhiên, trong khi các điểm trông giữ xe được cấp phép đều thu cao hơn chút ít so với giá vé niêm yết thì tại các khu vực xung quanh chùa Phúc Khách (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa), Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ, không ít hộ gia đình đã tận dụng diện tích ngõ, nhà riêng để trông giữ xe máy của khách đi lễ đầu năm. Tất cả những điểm này đều thu cao gấp 3 - 4 lần giá vé quy định với mức từ 10- 15.000 đồng/lượt.
Niêm yết giá vé để người dân giám sát
Liên quan đến việc đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân, du khách đến tham quan, lễ cầu may tại các đền, chùa… trên địa bàn, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa cho biết: “Cứ đến gần dịp lễ, Tết, UBND phường chỉ đạo lực lượng công an phường phối hợp với công an quận, ngoài việc đảm bảo ANTT còn tăng cường công tác rà soát, kiểm tra tại các điểm trông giữ xe trái phép, nhà dân để kiểm tra xử lý nghiêm các hộ cố tình vi phạm. Có thể khẳng định, việc này chúng tôi đang thực hiện rất tốt”.
Ông Võ Hồng Vinh, Chủ tịch UBND phường Quán Thánh, quận Ba Đình cũng cho hay, để phục vụ nhu cầu đi lại, tham quan, đi lễ đầu năm của người dân, UBND phường đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở trông giữ phương tiện trên địa bàn. Trường hợp nhận được phản ánh về việc tự tăng giá vé cũng như “chặt chém” khách đến tham quan, sẽ tiến hành xử lý ngay. Theo đó, tại các điểm trông giữ xe đều phải niêm yết giá vé công khai để nhân dân và du khách thập phương biết và tự giám sát. “Ngay trong chiều 3/2, đoàn liên ngành đã kiểm tra và xử phạt 1 cơ sở thu vé xe máy cao hơn qui định. Việc kiểm tra, nhắc nhở được chúng tôi tiến hành thường xuyên”, ông Vinh khẳng định.
Bà Khương Thị Tuyết Mai, Chủ tịch UBND phường Quảng An, quận Tây Hồ thông tin, ngay từ đầu năm 2017, dự báo trước nhu cầu rất lớn của người dân và du khách đến phủ Tây Hồ lễ đầu xuân, UBND phường đã có kế hoạch bố trí 2 điểm trông giữ xe tại ngõ 50, phố Đặng Thai Mai và điểm cửa vào phủ Tây Hồ với tổng diện tích 1,7ha. UBND phường cũng đã niêm yết công khai giá vé để người dân được biết. Ngoài ra, còn bố trí người đứng ở phía ngoài để hướng dẫn các phương tiện vào các điểm trông giữ xe.
“Trong 2 ngày 6-7 Tết Đinh Dậu, đoàn liên ngành của UBND phường, UBND quận liên tục kiểm tra và đã xử phạt một số các điểm phát sinh của nhà dân quanh khu vực vào phủ Tây Hồ. Tính đến chiều mùng 9 Tết, UBND phường chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào của nhân dân về việc bị thu giá trông giữ xe cao, cũng như về ANTT”, bà Mai khẳng định và thông tin thêm, Công an quận còn bố trí cả lực lượng cảnh sát hình sự trong, ngoài khu vực phủ Tây Hồ để đảm bảo an toàn cho du khách. Theo thống kê, từ mùng 1 - 6 Tết Đinh Dậu, có khoảng 90.000 lượt khách đến phủ Tây Hồ, so với năm ngoái lượng khách không tăng.
Tuyên chiến với nạn “chặt chém” Tại buổi họp nghe báo cáo tình hình, kết quả tổ chức Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 của Thường trực Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị phối hợp với các ban tổ chức lễ hội kiên quyết không để xảy ra tình trạng chèo kéo, cò mồi, “chặt chém” du khách. Hà Nội sẽ tuyên chiến với nạn “chặt chém” du khách du Xuân những ngày đầu năm mới; giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát trên từng địa bàn tới cấp phường, xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu trên địa bàn quản lý xảy ra hiện tượng “chặt chém” du khách. |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận