Đô thị

Hà Nội: “Nhồi” cao ốc, “bức tử” giao thông trục Lê Văn Lương - Tố Hữu

14/06/2022, 10:08

Trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu trở thành điểm nóng ùn tắc giao thông nghiêm trọng do bị “nhồi” hàng trăm toà chung cư, cao ốc.

Các chuyên gia cho rằng, cần phải cương quyết xử lý sai phạm, không thể bắt người dân phải gánh chịu hậu quả.

“Còng lưng” gánh lượng người, xe khổng lồ

Ghi nhận của PV Báo Giao thông trong sáng 11/6, dù là ngày nghỉ cuối tuần, cũng không phải khung giờ cao điểm, song trên tuyến đường Lê Văn Lương, các phương tiện ken đặc, di chuyển trong làn đường nhỏ hẹp để nhích từng cm. Những chiếc xe buýt nhanh rất khó khăn len lỏi vào làn đường riêng.

Theo một cán bộ quản lý về giao thông, đường Lê Văn Lương được thiết kế có chiều dài 2,67km, bao gồm 6 làn xe cơ giới cho hai chiều đường, có hệ thống cầu vượt chống ùn tắc.

“Thiết kế trên chỉ phù hợp cho giao thông thời điểm năm 2010 - 2015. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay lượng chung cư cao tầng mọc lên như “nấm”, gây áp lực quá lớn cho tuyến đường. Qua nghiên cứu, kể cả giờ thấp điểm ở đây cũng xảy ra ùn tắc”, vị này cho biết.

img

Các tòa chung cư, cao ốc mọc lên san sát trên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. Ảnh: Tạ Hải

Ghi nhận của PV, trên tuyến đường dài hơn 2km này có tới 40 chung cư cao tầng dọc tuyến, độ cao trung bình từ 20 - 30 tầng. Tại các tuyến đường kết nối ngang như: Hoàng Đạo Thuý, Hoàng Ngân, Nguyễn Tuân… cũng dày đặc chung cư, cao ốc. Điều này càng khiến cho trục đường chính Lê Văn Lương liên tục đông đúc, quá tải.

Đáng nói hơn, trên tuyến đường đang có thêm 7 - 8 chung cư, cả chung cư sai phạm đang được chủ đầu tư xây dựng. Cụ thể như công trình NO1 - thuộc dự án đầu tư xây dựng khu hỗn hợp văn phòng cho thuê nhà ở được quảng cáo độ cao 25 tầng, công trình dịch vụ văn phòng và nhà ở thuộc Công ty CP dịch vụ và kinh doanh bất động sản Hà Nội; dự án Manhattan Tower tại số 21 Lê Văn Lương…

Khi các dự án này hoàn thiện, đón thêm hàng nghìn cư dân đến ở, không hiểu áp lực giao thông còn căng đến thế nào?

Một điểm đáng chú ý khác là các toà cao ốc mọc lên như “nấm” nhưng chủ yếu là văn phòng và nhà ở. Cả tuyến đường không có công viên hay hệ thống cây xanh.

Cách đó không xa, trục đường Tố Hữu cũng chịu cảnh quá tải tương tự. Tuyến đường rộng, đẹp nhưng luôn là điểm nóng ùn tắc trong những khung giờ cao điểm. Nguyên nhân chính do những sai phạm nghiêm trọng trong việc điều chỉnh quy hoạch sai quy định, buông lỏng quản lý xây dựng.

Bên đường Tố Hữu hướng ra trung tâm Hà Nội, những toà chung cư mọc lên san sát. Trong đó, hàng chục toà đang trong quá trình xây dựng. Ở phía bên đường đối diện hướng từ trung tâm về Hà Đông, còn một số vị trí đất trống nhưng đang được quây tôn và có tên dự án chung cư, “xí” chỗ sẵn.

Chị Vũ Huyền Trang (trú tại khu đô thị Dương Nội, nằm trên tuyến đường Tố Hữu) ngán ngẩm: “Lúc mua nhà năm 2017, tôi đã được đồng nghiệp ngăn cản, cảnh báo về việc ùn tắc, ngập úng. Cũng 5 lần 7 lượt muốn chuyển nhà nhưng sang các khu mới giá tiền lại cao hơn”.

Trả lại quy hoạch, tháo dỡ dự án sai phạm

img

Giao thông trên trục đường Tố Hữu nghẹt thở vì quá đông người tham gia

Trong kết luận mới nhất, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng tại một loạt dự án dọc tuyến đường: Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Nhiều dự án không bố trí cây xanh, một số dự án thiếu diện tích cây xanh, chỉ đạt 10% so với yêu cầu... Tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội hàng ngày phải “cõng” theo lượng người, xe khổng lồ gây ùn tắc nhức nhối.

Trước bất cập này, GS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư Trưởng TP Hà Nội cho rằng, các công trình sai phạm phải được đưa trở lại đúng chức năng như trong quy hoạch vốn có. Không thể để trục đường bị “nhồi” đến cả trăm toà cao ốc.

“Lãnh đạo thành phố phải có giải pháp tháo gỡ, khắc phục, không thể để chủ đầu tư bán nhà lấy lãi xong bỏ mặc người dân, đi lại ùn tắc, khổ sở”, ông Nghiêm nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, giảng viên Trường Đại học GTVT, người có chuyên môn sâu về quy hoạch cũng tỏ ra ngao ngán với những lần điều chỉnh quy hoạch của TP trên trục đường.

“Nhà tôi hiện sinh sống trên trục đường Nguyễn Tuân, ngày qua ngày phải chịu cảnh ùn tắc mà không biết phải làm thế nào, cực kỳ mệt mỏi. Cần phải trả lại quy hoạch cho trục đường, thậm chí tháo dỡ công trình sai phạm. Nếu không thì các giải pháp như cấm xe máy, thu phí nội đô … cũng chỉ là những bài toán tình thế”, bà Thuỷ nói.

Có dự án điều chỉnh từ 5 lên 30 tầng

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, việc quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính đã được UBND Hà Nội đã tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000 và 1/500 từ năm 1999.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị điều chỉnh quy hoạch sai quy định, nhồi cao ốc tăng gấp 6 lần. Quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Mặc dù vậy, khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.