Nhiều người chọn cách trang bị kín mít toàn bộ thân thể khi đi xe máy ra đường giữa trời nắng gắt. |
Hà Nội đang bước vào đợt nắng nóng thứ 2 tính từ đầu mùa với ngưỡng nhiệt độ dao động vào giữa trưa có thể lên tới 36, 37 độ C. Ra đường vào thời điểm 12h trưa tới 2, 3h chiều trở thành cực hình với nhiều người tham gia giao thông và lao động ngoài trời.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại một số tuyến đường ít cây ở Thủ đô như vành đai 3, khu vực Cầu Giấy, Phạm Văn Đồng.. nhiều người tham gia giao thông đã phải trú chân tại các công trình giao thông có mái che nắng vì quá mệt mỏi không thể đi tiếp hoặc đi vào phần đường có bóng râm.
Tại khu vực gầm đường vành đai 3 trên cao, nhiều người lao động phổ thông như bán hàng rong, công nhân... phải mệt mỏi cố gắng co kéo giấc ngủ giữa trưa nắng gay gắt.
Quá mệt mỏi, nhiều người dừng lại trú chân dưới các công trình giao thông có mái che. |
Hoặc chọn phần đường có bóng râm để di chuyển. |
Còn tại tuyến đường Phạm Văn Đồng, do đang trong quá trình thi công dự án làm đường, các trạm xe buýt không có mái hiên hoặc dựng tạm bợ khiến hành khách phải chờ đợi dưới ánh nắng không khác nào... bị tra tấn.
Nhiều người lao động tránh nắng, nằm dưới gầm đường trên cao co kéo giấc ngủ vội vã. |
Nhiều tuyến đường đang thi công khiến bến xe buýt phải dựng tạm, không có mái hiên che nắng... |
Khiến hành khách chờ xe không khác gì bị... tra tấn |
Theo ông Hoàng Phúc Lâm - Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc Gia), tới đầu tháng 5/2018, do ảnh hưởng của áp thấp nóng phía Tây, người dân ở miền Bắc đã hứng chịu đợt nắng nóng đầu tiên. Nhiệt độ của đợt nắng nóng này phổ biến 34-37 độ và kéo dài 2 ngày từ 7-8/5, "Mùa hè năm nay tới miền Bắc như thế này là muộn, ngoài ra, nắng nóng năm nay ở miền Bắc dự báo không quá 40 độ C!", ông Lâm nói.
Ngày 14/5, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, miền Bắc tiếp tục hứng chịu đợt nắng nóng thứ 2. Đợt nắng nóng này có thể kéo dài từ 3-4 ngày với mức nhiệt độ có thể lên đến 38 độ C.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong thời tiết nắng nóng gần 40 độ C, mọi người cần hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Riêng những người làm việc văn phòng hoặc đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp, cũng không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột, mà cần phải để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi ra ngoài trời. Khi ra ngoài cần mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Khi mới đi nắng về không nên tắm ngay và tắm nhiều lần trong ngày, vì tắm ngay khi vừa đi ngoài nắng hoặc tắm nước quá lạnh sẽ làm nhiệt độ cơ thể bị giảm đột ngột, lỗ chân lông và vi mạch dưới da co lại làm cản trở tuần hoàn máu dẫn đến hiện tượng cảm lạnh, ảnh hưởng đến nhịp đập của tim, huyết áp và có thể gây đột quỵ. Về vấn đề dinh dưỡng, cần tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt cần uống tối thiểu 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Riêng đối với những người lao động trong thời tiết nắng nóng, nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc mát mẻ như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm quá lâu trong môi trường nóng bức, cứ khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc cần nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15-20 phút. Bên cạnh đó, cần tránh các hoạt động thể lực quá sức, hạn chế diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy; sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp (quần áo, bảo hộ lao động, mũ, nón, kính); mặc quần áo rộng, thoáng mát, thấm mồ hôi. Đặc biệt, khi làm việc ngoài trời, không nên sử dụng các loại đồ uống có cồn, chỉ nên uống các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol. Điều này là rất cần thiết đối với những người mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận