Xem - ăn - chơi

Hà Nội nỗ lực đưa chèo đến khán giả

14/06/2017, 13:40

Nhà hát Chèo Hà Nội bất ngờ xây dựng chuỗi chương trình mang tên Hà Nội đêm thứ 7.

24

Vở “Quan âm Thị Kính” của Nhà hát Chèo Hà Nội được diễn trong chuỗi chương trình “Hà Nội đêm thứ 7”

Nghệ sĩ cũng đi bán vé

Hai đêm diễn đầu tiên của Nhà hát Chèo Hà Nội tại rạp Đại Nam (89 phố Huế) trong chuỗi chương trình Hà Nội đêm thứ 7 chật kín khán giả. Người già có, trung niên có và thanh niên cũng có. Có thể nói, cuộc “ra quân” trong sự mạo hiểm lần này của nhà hát đã thành công. Nói “mạo hiểm” bởi giữa sự bao vây của các chương trình giải trí, lượng khán giả đến rạp thưởng thức các bộ môn nghệ thuật truyền thống luôn là bài toán khó với các đơn vị nghệ thuật thì Nhà hát Chèo Hà Nội lại tự bỏ vốn để thực hiện chuỗi chương trình dài hơi Hà Nội đêm thứ 7. Theo đó, nhà hát sẽ có những suất diễn vào thứ 7 hàng tuần với đủ thể loại như: Chèo cổ, chèo hiện đại, đan xen các đêm biểu diễn câu lạc bộ (gồm trích đoạn chèo, hài, chầu văn...) phục vụ khán giả.

Để thực hiện điều này, nhà hát đã mất 1 năm chuẩn bị, đồng thời huy động 150 diễn viên và nghệ sĩ tham gia với nhiều tiết mục làm nên tên tuổi của nhà hát trong những năm qua như: Nàng Sita, Quan Âm Thị Kính, Ngọc Hân công chúa, Chuyện tình người mất tích, Quan lớn về làng, Nàng Thứ Phi họ Đặng… Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Thúy Mùi, NSND Quốc Chiêm, NSND Quốc Anh, NSƯT Thanh Huyền… cũng không ngại vất vả, cùng lao vào dàn dựng và tập luyện cho dự án này.

NSND Quốc Chiêm, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho hay, khi được mời tham gia biểu diễn trong chuỗi chương trình này, ông hào hứng nhận lời ngay: “Chương trình có tính sáng tạo, với những có kịch bản chất lượng. Ngoài việc tham gia để truyền dạy cho lớp trẻ, tôi còn muốn mang tới niềm vui cho bản thân. Ngoài giờ làm, tôi luôn tranh thủ đến ghép vở và tập luyện, biểu diễn cùng các diễn viên”.

NSND Quốc Chiêm cũng đánh giá, sự mạo hiểm này của Nhà hát Chèo Hà Nội là điều cần thiết, bởi trong thời buổi hiện nay, những vở diễn chất lượng, diễn viên chất lượng và truyền thông tốt dần dần sẽ thu hút được khán giả. Đặc biệt, nhiều vở diễn luôn có những “ngôi sao” để thu hút khán giả.

Theo NSƯT Thu Huyền, Phó giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, dù nhà hát có đội ngũ bán và phân phối vé riêng nhưng nhiều nghệ sĩ cũng tham gia để giới thiệu rộng rãi hơn tới khán giả. Dù không thể trông chờ chủ yếu vào nghệ sĩ vì thực ra việc của họ là biểu diễn, nhưng nhà hát luôn khuyến khích các nghệ sĩ có thể bán vé nhờ những mối quan hệ riêng.

Chấp nhận lỗ vốn

Những khó khăn và băn khoăn đã khiến Nhà hát Chèo Hà Nội quyết định đưa ra mức giá 100 - 200 nghìn đồng/vé. NSƯT Thu Huyền tâm sự, khi làm chương trình trong bối cảnh sân khấu khó khăn, mọi người đều băn khoăn không biết có bán được vé không, có ai đến xem không. Bởi, nếu không có khán giả, chương trình sẽ không thể kéo dài được. Toàn bộ kinh phí đều do nhà hát tự bỏ vốn bởi chưa xin được tài trợ. Toàn bộ nguồn thu đều trông chờ vào việc bán vé.

“Để duy trì chương trình thì vẫn phải có kinh phí, nhưng trước mắt, chúng tôi thống nhất không thể đặt kinh doanh lên hàng đầu. Mình phải kéo khán giả đến trước đã và làm sao để chương trình của mình thật hay, giá vé hợp lý để có thể chi tiêu được trong một đêm diễn. Chúng tôi may mắn có sẵn rạp, có dàn diễn viên tài năng, các kịch mục được giới chuyên môn đánh giá cao. Diễn viên cũng lấy thù lao tượng trưng để cùng nhau chung sức cho chương trình”, NSƯT Thu Huyền chia sẻ.

Được biết, bên cạnh mục tiêu xây dựng một điểm đến cho khán giả vào dịp cuối tuần, một trong những mục tiêu của chuỗi chương trình này còn là quảng bá chèo đến khán giả trẻ. Và để có thể lôi kéo được nhiều tầng lớp khán giả đến rạp, trong nhiều năm qua, nhà hát đã thực hiện đề án Giới thiệu nghệ thuật chèo đến với học sinh trên địa bàn Hà Nội. Các diễn viên đến các trường để biểu diễn, giới thiệu chèo, cũng như xây dựng những vở diễn phù hợp với từng đối tượng khán giả, để gây dựng một lớp khán giả trẻ cho sân khấu chèo nói riêng và sân khấu nghệ thuật truyền thống nói chung. Và trong hai buổi biểu diễn “ra quân”, khá đông khán giả là những thanh niên, sinh viên. Nghệ sĩ Thu Huyền hào hứng, có hai sinh viên đã nán lại đến phút cuối để chờ chị chỉ để xin chụp một kiểu hình lưu niệm.

“Khi có khán giả, mọi người biết đến và yêu thích chèo nhiều hơn thì có thể thu về lợi nhuận để biểu diễn tiếp. Đó là điều chúng tôi mong muốn. Mỗi người có một gu thưởng thức khác nhau nhưng chúng tôi vẫn muốn làm chương trình có giá trị nghệ thuật cao chứ không chạy theo thị hiếu. Chúng tôi tự tin và tin tưởng nếu tất cả cùng chung sức làm thì sẽ thực hiện được. Những gì là giá trị nghệ thuật đích thực, tôi vẫn mong nó sẽ có chỗ đứng trong lòng khán giả”, Phó giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.