Bãi sông xảy ra nhiều vi phạm đất đai, xây dựng
Báo cáo Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn thành phố (Đoàn giám sát) mới đây, ông Hoàng Hải Đăng, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong quản lý khu vực bãi sông trên địa bàn huyện Đông Anh thời gian qua.
Theo báo cáo, huyện Đông Anh phê duyệt cho 7 mô hình kinh tế trang trại khu vực ngoài bãi sông Tả Hồng, Tả Đuống. Tuy nhiên có 4 mô hình vi phạm do hoạt động không đúng mục đích, sai quy định.
Từ năm 2021 đến nay (tháng 10/2024), huyện đã đình chỉ 13 bãi chứa tại xã Vĩnh Ngọc, Đông Hội, Mai Lâm, Võng La và Hải Bối; giải tỏa thu hồi đất có vi phạm tại 6 bãi chứa tại xã Hải Bối, Mai Lâm, Đông Hội, Vĩnh Ngọc với diện tích thu hồi khoảng 10 ha; xử phạt vi phạm hành chính đối với 23 đối tượng, số tiền là 1,088 tỷ đồng, tịch thu 7.824m3 cát, 1 máy xúc, 3 vỏ tàu thép, phương tiện thủy với các hành vi chính như: khai thác khoáng sản không giấy phép, kinh doanh vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, vi phạm đê điều, phòng chống thiên tai…
Trên địa bàn huyện Sóc Sơn cũng đang xảy ra tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng ngoài bãi sông. Theo đó, nhiều bến bãi, bến cảng, trạm trộn bê tông hoạt động không phép trên địa bàn xã Trung Giã, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đe dọa mất an toàn đê điều.
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), qua kiểm tra hiện trường, đơn vị này phát hiện khu vực bờ, bãi sông Cầu thuộc địa bàn xã Trung Giã vẫn đang diễn ra tình trạng tập kết máy móc, thiết bị, trung chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa, xây dựng công trình khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền, vi phạm pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai, làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ của tuyến sông. Hành vi vi phạm trên chưa được xử lý, vẫn tồn tại gây bức xúc trong dư luận. Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện, UBND xã Trung Giã phối hợp với Hạt Quản lý đê số 8 và các đơn vị có liên quan kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm nêu trên.
Huyện Đông Anh cũng xử lý 12 vụ vi phạm pháp luật về đê điều (các vụ vi phạm tập trung chủ yếu xây dựng công trình tạm ngoài bãi sông, đổ phế thải xây dựng trái phép), năm 2024 đã xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp vi phạm với số tiền 320 triệu đồng…
Tương tự tại huyện Phúc Thọ, ngoài báo cáo đoàn giám sát những kết quả đạt được, Phó chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cho biết, từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/6/2024, Công an huyện Phúc Thọ đã phối hợp các đơn vị chức năng bắt giữ, xử lý 13 vụ việc khai thác tài nguyên (cát) trái phép, xử lý hành chính gần 5,5 tỷ đồng.
Quận Tây Hồ báo cáo, từ năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng quận đã phát hiện, thiết lập hồ sơ và xử lý 7 vụ vi phạm pháp luật về đê điều; rà soát, lập 32 hồ sơ xây dựng trong phạm vi bảo vệ đê, hành lang thoát lũ; xử lý 24 trường hợp, 1 trường hợp đã dỡ bỏ một phần, hiện đang tiếp tục xử lý 7 trường hợp.
Bên cạnh đó, quận Tây Hồ cũng chỉ ra những khó khăn trong công tác quản lý khu vực bãi sông như: một số trường hợp người dân không còn chỗ ở khác nên quận gặp khó khăn trong việc giải tỏa các vi phạm.
Tài liệu hồ sơ pháp lý về đất đai qua nhiều thời kỳ không cập nhật đầy đủ, thường xuyên, kết hợp với tập quán sinh sống mang tính chất làng xã ven đô cũng là những nguyên nhân tạo nên việc sử dụng đất phức tạp, gây khó khăn cho việc xác nhận nguồn gốc đất và áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ...
Trước báo cáo của quận Tây Hồ, Phó chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên nhấn mạnh, xây dựng trục sông Hồng là chủ trương theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Ông Tiên đề nghị quận Tây Hồ giữ nguyên hiện trạng khi quy hoạch chưa được duyệt; chỉ giải quyết những trường hợp đặc biệt không ảnh hưởng đến quy hoạch. Quận Tây Hồ tăng cường đẩy nhanh công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch theo quy định, đến năm 2025 hoàn thành quy hoạch chi tiết. Trưởng đoàn giám sát đề nghị các sở Quy hoạch - Kiến trúc, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với quận để thực hiện tốt công tác quy hoạch…
Các sở ngành, quận huyện giải trình công tác quản lý đất bãi sông
Tại buổi làm việc với Phúc Thọ, ông Tiên cũng đề nghị huyện Phúc Thọ tập trung các giải pháp cần xác định rõ tiến độ, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan. Chú trọng và ưu tiên hàng đầu, bảo đảm đi trước một bước, triển khai công khai, minh bạch...
Đối với công tác quản lý đất đai, Trưởng đoàn giám sát đề nghị huyện kiểm tra rà soát, có bảng biểu về xử lý và đôn đốc UBND các xã xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm về sử dụng đất; tiếp tục hoàn thiện việc thống kê đầy đủ diện tích đất, hiện trạng sử dụng đất, các trường hợp vi phạm, thời điểm vi phạm đối với quỹ đất ngoài đê, bãi sông để phục vụ công tác quản lý và triển khai các nhiệm vụ theo Luật Thủ đô 2024.
Trước đó, HĐND TP Hà Nội thành lập Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn thành phố.
Đoàn giám sát có chức năng làm rõ những kết quả đạt được, những vướng mắc, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong công tác tổ chức quản lý, sự tuân thủ các quy định của pháp luật, các chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội...
HĐND TP Hà Nội dự kiến tuần tới (16-20/12), sẽ dành 1 ngày tổ chức phiên giải trình về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn. Phạm vi giải trình là việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2021 đến nay.
Đối tượng giải trình là lãnh đạo UBND TP; Giám đốc các sở Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải và Giám đốc, thủ trưởng các đơn vị liên quan; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nơi có các khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Long Biên, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Ba Vì, Sơn Tây...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận