Bất động sản

Hà Nội phát sinh thêm hàng chục dự án chậm triển khai

29/06/2021, 06:30

Thành phố Hà Nội phát hiện thêm hàng chục dự án chậm triển khai, phát sinh sau khi HĐND TP giám sát vào cuộc.

img

Hà Nội phát sinh thêm hàng chục dự án chậm triển khai (ảnh minh hoạ).

Phát sinh 45 dự án chậm triển khai

Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà chủ trì mới có buổi làm việc với đại diện UBND và các sở, ngành TP về kết quả tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND TP về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Nguyễn Minh Tuân cho biết, qua thực tế tái giám sát, Đoàn giám sát đã tổng hợp danh mục dự án vẫn chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay. Trong đó, 66 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt; 324 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai tính đến tháng 4/2021.

Cụ thể: Trong số 89 dự án chậm triển khai (tính đến năm 2012) đến nay còn 56 dự án vẫn chưa được khắc phục dứt điểm các vi phạm theo kiến nghị giám sát. Đặc biệt, 22 dự án có quyết định thu hồi đất, nhưng đến thời điểm tái giám sát vào tháng 3/2021, vẫn còn 18 dự án chưa được thu hồi đất trên thực tế.

Bên cạnh đó, 383 dự án chậm triển khai giai đoạn 2012-2017, HĐND TP kiến nghị, đến nay vẫn còn 293 dự án tiếp tục chậm triển khai hoặc có các vi phạm.

Đặc biệt, trong số 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2018, đến nay vẫn còn 37 dự án chậm nộp tiền sử dụng đất gần 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, qua tái giám sát, Thường trực HĐND TP còn phát hiện thêm 45 dự án chậm triển khai phát sinh sau khi HĐND TP giám sát vào tháng 7/2018 đến tháng 3/2021.

Pháp luật chồng chéo, chính quyền chưa quyết liệt

Về nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này, Thường trực HĐND TP cho rằng, quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ; một số dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch; nhiều dự án trên địa bàn phải rà soát, khớp nối đồng bộ với các quy hoạch, dự án khác; một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù GPMB. Ngoài ra, do dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nói chung…

Bên cạnh đó còn có không ít nguyên nhân chủ quan, đó là việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Nghị quyết về kết quả giám sát và các kiến nghị giám sát của HĐND TP, kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND TP chưa được chính quyền các cấp, các sở ngành triển khai thực sự quyết liệt, thường xuyên.

Cùng đó, các sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch Đầu tư chưa kiên quyết, chưa kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư; việc quản lý, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt còn thiếu chủ động; việc hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch còn chậm và chưa quyết liệt.

Đồng thời, việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành mang tính thời điểm, chưa xuyên suốt; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, cấp trong phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; công tác giám sát và đánh giá đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách bị buông lỏng…

Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư dự án chưa chấp hành tốt pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư; còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ; đề xuất điều chỉnh gia hạn dự án nhiều lần; chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính…

Từ thực tế giám sát và phân tích nguyên nhân, dự thảo báo cáo kết quả giám sát đã nêu kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo dõi, thanh tra, kiểm tra công tác triển khai thực hiện và xử lý vi phạm. Đồng thời, cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và UBND quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm trách nhiệm giám sát, đánh giá đầu tư, trách nhiệm kiểm tra dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật chuyên ngành với những dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nói chung và các dự án có sử dụng đất nói riêng...

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Văn Thái (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, để hạn chế và giải quyết dứt điểm tình trạng trên, các khâu trong quá trình triển khai dự án cần được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư. Sau đó, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ của dự án để kịp thời nắm bắt hiện trạng, nếu có dấu hiệu chây ỳ thì áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo.

Việc các dự án thi công chậm tiến độ không chỉ khiến cuộc sống của người dân khó khăn, giao thông ách tắc mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển các ngành nghề khác. Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai một số biện pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn lớn, nhưng xem ra sự chuyển động vẫn còn khá chậm chạp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.