Khu đô thị Văn Khê có lòng đường 2 chiều khá rộng cần được mở thêm tuyến mini buýt tiếp cận khu vực dân cư |
Đi bộ cả cây số mới tới điểm chờ xe buýt
Chiều 16/5, có mặt tại phố Tô Vĩnh Diện - Nguyễn Ngọc Nại (quận Thanh Xuân, Hà Nội), PV ghi nhận trục đường chỉ dài hơn 1km không chỉ tập trung hàng chục nghìn hộ dân mà còn có sự hiện diện của rất nhiều trường học, công ty lớn, nhỏ như: Trường Trung cấp nghề số 10, Trường Cao đẳng y dược Pasteur (số 101 Tô Vĩnh Diện), tòa nhà Ngân hàng TMCP Công thương Sài Gòn (số 235 Nguyễn Ngọc Nại), tòa nhà PG Bank (số 237 Nguyễn Ngọc Nại).
Theo bà Nguyễn Lý (số 12 Nguyễn Ngọc Nại), nhiều năm nay, tuyến đường này chưa có xe buýt nào đi qua. Người dân có nhu cầu đi xe buýt phải ra đường Hoàng Văn Thái đón xe 12 (Kim Mã - Văn Điển) rồi chuyển chặng, hoặc phải ra các trạm buýt ngoài đường Trường Chinh. “Người dân trong khu này có muốn đi xe buýt cũng vô cùng khó. Đi bộ xa như vậy mới tới nhà chờ thì đi luôn xe máy cho tiện”, bà Lý nói.
Tương tự, tại Khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội), nhu cầu có các tuyến mini buýt kết nối là vô cùng lớn. Dân cư sống tại các toà nhà cao tầng tại đây đều phải sử dụng xe cá nhân để đi lại do hệ thống xe buýt công cộng của thành phố vẫn chưa tiếp cận tới khu vực này.
Chị Nguyễn Thị Nga, cư dân Khu đô thị Văn Khê chia sẻ, chị vừa đi xe buýt nhanh từ chỗ làm ở Kim Mã về. Từ ngày có xe buýt nhanh kết nối thấy rất tiện lợi nên chị chuyển sang sử dụng. Nhưng bất tiện ở chỗ từ khu đô thị đến điểm chờ xe buýt khoảng 2km, nên chị thường phải đi bộ hoặc nhờ người nhà chở ra điểm chờ xe buýt. “Ngày thường thì không sao, chứ những ngày mưa gió hay nắng đổ lửa như mấy hôm nay, đi bộ vài cây số đến điểm chờ xe buýt vô cùng vất vả”, chị Nga nói.
Mini buýt sẽ “phủ sóng” các khu chung cư, tuyến phố nhỏ
Trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, năm 2017, Transerco đã mở thêm 17 tuyến buýt mới, mở rộng vùng phục vụ đến toàn bộ 30 quận, huyện của Hà Nội, xóa vùng trắng xe buýt trợ giá trên toàn thành phố. Đơn vị này cũng tiếp nhận đưa tuyến xe buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội vào hoạt động đúng tiến độ, chất lượng dịch vụ ổn định, an toàn.
Theo Sở GTVT Hà Nội, đơn vị này đang yêu cầu Transerco rà soát, nghiên cứu mở mới 3 tuyến buýt CNG (xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên) gồm: Tuyến BX Mỹ Đình - BX Sơn Tây; BV Bệnh nhiệt đới T.Ư (cơ sở 2) - Time City; BX Yên Nghĩa - KĐT Đặng Xá. Mở mới tuyến buýt không trợ giá phục vụ khách du lịch, tuyến 01 - buýt City tour Hà Nội; Tổ chức dịch vụ mini buýt tiếp cận các khu dân cư, khu tập thể có đường giao thông tiếp cận nhỏ hẹp; Tổ chức tuyến buýt đến huyện Mê Linh... |
Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận hiện chưa thể “phủ sóng” xe buýt ở những phố, ngõ nhỏ hay khu đô thị. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho những người dân có nhu cầu sử dụng xe buýt. “Hà Nội đang nghiên cứu để sắp tới mở rộng mạng lưới xe buýt. Những tuyến mở mới sẽ cố gắng sử dụng loại xe buýt kích thước nhỏ để có thể hoạt động tại những khu phố nhỏ hẹp, phục vụ nhu cầu người dân”, ông Hải cho biết.
TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Giảng viên Trường đại học GTVT cho rằng, việc Hà Nội đưa loại hình mini buýt vào các phố, ngõ nhỏ, khu dân cư là cần thiết để tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân. “Khi thấy tiện lợi và giá thành rẻ, người dân sẽ tự giác sử dụng phương tiện công cộng. Nếu Hà Nội muốn cấm phương tiện cá nhân hiệu quả thì trước hết phải mở những tuyến mini buýt kết nối. Tại nhiều nước tiên tiến như: Nhật Bản, Hàn Quốc, phần lớn người dân đi làm hàng ngày bằng phương tiện công cộng”, TS. Thủy nói.
Trong lần làm việc mới đây với Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu đơn vị này cần nhanh chóng nghiên cứu phát triển nhiều loại hình xe buýt, trong đó có mini buýt. “Xe mini buýt có thể len lỏi vào từng ngõ nhỏ, phố nhỏ, giúp người dân giảm bớt thời gian và cự ly đến với điểm chờ buýt. Như vậy, buýt mới thực sự gần gũi và thiết thực với đông đảo nhân dân”, ông Hoàng Trung Hải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận