Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 8/7 - 5/8 có tới… 95 nghìn người Thủ đô đã từng du lịch, công tác, thăm thân tại Đà Nẵng.
Trong đó có hơn 72 nghìn người đã được test nhanh, các ca phát hiện dương tính khi xét nghiệm lại bằng kỹ thuật PCR đều âm tính. Đến nay, chưa phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng nào ngoài 3 bệnh nhân 447, 459, 620 từng đi Đà Nẵng về.
Số ca xét nghiệm nhanh được thông báo rộng rãi dường như chả có ý nghĩa gì ngoài việc khiến người Hà Nội chủ quan hơn. Trong khi một số chuyên gia y tế và lãnh đạo địa phương đang đề nghị dừng xét nghiệm nhanh bởi độ chính xác rất thấp.
Dù mỗi ngày Đà Nẵng có thêm hàng chục ca nhiễm, 3 thành phố đã được cách ly xã hội, nhiều tỉnh phát hiện thêm người lây nhiễm nhưng ở Hà Nội nhịp sống vẫn bình thường như chưa hề có dịch quay trở lại.
Hôm nay, một đồng nghiệp của tôi đã bức xúc viết trên facebook cá nhân khi chị từ TP HCM ra Hà Nội chữa bệnh. Chị đến bệnh viện châm cứu nhưng nhân viên y tế và học sinh thực tập ở đây không đeo khẩu trang, khi bị nhắc thì khó chịu… Quá đỗi bực mình trước thái độ “bình chân như vại” đó, chị bỏ về TP HCM - nơi mà mấy ngày nay người ra đường không đeo khẩu trang đã bị xử phạt.
Một tiến sỹ đang công tác tại một trường đại học ở Nhật Bản nhắn tin hỏi tôi: “Hà Nội sẽ thờ ơ đến bao giờ?”. Theo anh, bệnh này lây lan rất âm thầm nên người dân dễ mất cảnh giác. Kinh nghiệm ở Tokyo cho thấy, có tới 70-80% ca lây nhiễm Covid-19 là từ các bữa tụ tập ăn uống hát hò buổi đêm.
Ban ngày hội họp mọi người đều giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn nhưng trong những không gian gia đình, bạn bè thì điều này dễ bị sao nhãng. “Nếu Hà Nội không quyết liệt ngay, e rằng sẽ bùng phát nhiều ca lây nhiễm cộng đồng”, vị tiến sĩ lo lắng.
Một trường hợp khác có bài được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội cho biết đã hốt hoảng bỏ chạy khỏi siêu thị khi vừa bật ứng dụng bluezone thấy báo có 5 bluezone bên cạnh. Hóa ra, chị cài mà không hiểu cơ chế hoạt động của nó, không hề biết các bluezone được máy thông báo là ai, người nhiễm bệnh hay người dùng ứng dụng.
Cũng như hàng nghìn người khác đã cài theo khuyến cáo của Bộ Thông tin & truyền thông nhưng không hề biết phải bật bluetooth ứng dụng này mới hoạt động. Và như vậy, những nỗ lực truyền thông, công sức của đội ngũ phát triển phần mềm này thành trôi sông đổ bể.
Hà Nội đã có 3 người dương tính với Covid-19 nhưng không chỉ người dân thờ ơ mà các bệnh viện - nơi tuyến đầu chống dịch cũng cực kỳ chủ quan.
Thậm chí, ca nhiễm mới đây nhất có tiền sử đi Đà Nẵng về, khi sốt đã đi khám tới 4 bệnh viện gồm Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an), Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Phổi Hà Nội, chỉ khi đến Bệnh viện Phổi T.Ư mới được đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư 2 và biết mình nhiễm bệnh.
Khi mà người dân chủ quan nói không với khẩu trang, hàng quán ăn uống tụ tập huyên náo, bệnh viện lỏng lẻo phòng dịch, các ứng dụng hỗ trợ không ai cài hoặc cài mà không biết sử dụng thì ta còn có vũ khí gì trong tay để chiến thắng Covid-19?
Trước khi chờ chính quyền nâng cao mức cảnh báo chống dịch (không hiểu vì sao lần này Hà Nội chậm hơn hẳn giai đoạn trước), chính chúng ta hãy bảo vệ chính mình, hạn chế tiếp xúc đông người, đeo khẩu trang và sát khuẩn triệt để.
Thật lạ khi chỉ vài tháng trước, dân ta bức xúc khi thấy châu Âu, châu Mỹ vẫn tổ chức lễ hội, người dân kiên quyết không đeo khẩu trang thì bây giờ nhìn lại, gần như cả thế giới đeo khẩu trang, có nơi không đeo bị phạt nặng thì Hà Nội lại không, lại rất vô tư, ngay cả khi tiếp xúc đông người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận