Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo |
Chỉ tổ chức ở những nơi đủ điều kiện
Trao đổi với PV Báo Giao thông về chủ trương trên, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội thông tin, trong năm 2018, thành phố phải trình Bộ Chính trị đề án Chính quyền đô thị. Theo ông Bảo, đây là vấn đề rất lớn, sẽ động chạm đến tổ chức bộ máy, phân cấp phân quyền, ngân sách tài chính... Chính vì thế, cần phải có sự đóng góp của lãnh đạo các sở ngành, quận huyện thì mới xây dựng được đề án.
Theo ông Bảo, với những vấn đề liên quan đến sáp nhập một số cơ quan trong bộ máy, thành phố chỉ nêu ra mô hình mang tính nguyên tắc, đơn cử như Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận, phường. Đáng chú ý, việc này sẽ chưa thực hiện đồng bộ trên tất cả các địa bàn mà chỉ thực hiện ở những nơi đã đủ điều kiện. “Trên cơ sở các địa bàn tự đăng ký, chúng tôi sẽ thẩm định xem có thể thực hiện được hay không. Còn riêng chức danh Giám đốc Trung tâm Chính trị và Trưởng ban Tuyên giáo thì phải làm đồng loạt trong năm 2018”, ông Bảo thông tin.
Trước đó, ngày 19/11/2017, tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Phó bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận, đồng ý với nhóm kiến nghị của Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc ngày 20/10. Theo đó, Bộ Chính trị đồng tình để TP Hà Nội được thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho biết, chính quyền đô thị có thể được hiểu đơn giản là chính quyền ở khu vực đô thị, để phân biệt với tổ chức chính quyền nông thôn - mô hình truyền thống.
Trong đề án xây dựng chính quyền đô thị có rất nhiều nội dung khác nhau, trong đó có nội dung quan trọng là thí điểm khi áp dụng nhất thể hoá chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND các quận, phường. Ông Nam đánh giá, thực hiện chủ trương này sẽ khó khăn vì động chạm đến con người, đến bộ máy. Vì thế rất cần sự nghiêm túc, cố gắng của cả hệ thống chính trị thành phố. Để làm tốt việc này, ông Nam cũng góp ý cần có biện pháp, cơ chế chính sách để hỗ trợ những cán bộ, công chức gần đến tuổi nghỉ hưu.
“Đề án này Thành ủy phụ trách nên các tiêu chí sẽ do Thành ủy xây dựng. Đây là chủ trương của Bộ Chính trị nên phải tổ chức thực hiện sao cho có hiệu quả để dự kiến trình vào cuối năm nay”, ông Nam nói và cho hay, hiện đề án vẫn đang trong quá trình chuẩn bị. Mục tiêu cuối cùng của chính quyền đô thị là vừa tinh gọn được bộ máy vừa tăng hiệu quả hoạt động.
"Quan trọng nhất là yếu tố con người"
Đón nhận thông tin trên, ông Nguyễn Đăng Khoa, Bí thư Đảng ủy phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng cho biết, việc thực hiện Bí thư kiêm Chủ tịch cấp quận, phường sẽ rất thuận tiện cho triển khai công việc. Ông Khoa lý giải, vì nếu vừa là Bí thư kiêm Chủ tịch, vừa là lãnh đạo, vừa chỉ đạo điều hành và tổ chức thì công việc sẽ được triển khai nhanh hơn rất nhiều mà không phải chờ xin ý kiến, hội họp, bàn bạc.. “Chẳng hạn như trên địa bàn xảy ra những việc gì nóng, cần giải quyết thực hiện luôn thì không phải bàn cãi, xin ý kiến tranh luận nhiều mà người đứng đầu chỉ đạo triển khai ngay vì đã có sự thống nhất trong Đảng luôn”, ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Đức Hà, chuyên gia Ban Tổ chức T.Ư đánh giá, nói đến vấn đề biên chế, động đến con người và tổ chức thì không đơn giản, đây là vấn đề khó và nhạy cảm. Tuy nhiên, không thể vì ngại khó, ngại động chạm mà chùn bước không làm.
Về việc Hà Nội dự kiến sẽ thí điểm hợp nhất chức danh Bí thư và Chủ tịch quận, phường ở những nơi đủ điều kiện, theo ông Hà, điều kiện này khó có thể có mức chung mà phụ thuộc vào từng nơi. Vì thế, cấp ủy của từng nơi cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trước khi quyết định có thí điểm hay không. Một trong những điều kiện tiên quyết được ông Hà đề cập chính là yếu tố về con người, đội ngũ cán bộ thế nào, chất lượng ra sao, có khả năng đảm nhiệm được không nếu kiêm nhiệm vụ của cả Chủ tịch và Bí thư? “Cấp ủy phải xem xét tất cả những điều kiện ấy có được không, nếu đủ thì mới làm, còn khó thì chưa làm được. Nhưng tinh thần cần mạnh dạn, chủ động, cái gì thấy có thể, có khả năng làm được thì phải mạnh dạn làm”, ông Hà nói.
Theo ông, liên quan đến con người còn nhiều vấn đề nhạy cảm, nên Nghị quyết của T.Ư cũng đã quán triệt cần coi trọng việc giáo dục tư tưởng chính trị, đả thông tư tưởng cho cán bộ. “Bên cạnh đó phải có cơ chế chính sách nào đó để anh em an tâm, đồng thuận với chính sách. Động đến tổ chức, đến con người không đơn giản, vì con người đâu phải là sắt đá. Cái đó phải hết sức chú ý. Nhưng phải quyết liệt, quyết tâm, nếu e ngại thì không thể làm được. Một điểm khác nữa là cũng phải đề ra cơ chế kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền”, ông Hà nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận