Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội về phát triển vận tải hành khách công cộng giai đoạn từ nay đến năm 2030, chỉ tiêu cho xe buýt đến năm 2025 đạt 16 - 18%, đến năm 2030 đạt 25%.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, TP Hà Nội dự kiến mở mới 90 - 100 tuyến buýt. Ảnh: Tạ Hải
Kết nối đa phương thức
Trong thời gian vừa qua, hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của TP Hà Nội đã có những bước phát triển đáng kể.
Tính đến thời điểm này, thành phố đã đưa vào khai thác 136 tuyến buýt (trong đó có 2 tuyến buýt du lịch, 3 tuyến buýt điện).
Đáng kể, các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn như tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa được đưa vào hoạt động đã thúc đẩy chuyển đổi thói quen đi lại của người dân, chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng giao thông công cộng.
Là đơn vị đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong lĩnh vực phát triển VTHKCC của thành phố, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, để nâng cao hiệu quả khai thác phục vụ nhân dân trong việc đi lại bằng phương tiện công cộng, Transerco đã triển khai các mở các tuyến buýt theo từng giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1: không có trung tâm, đơn vị hành chính (quận, huyện) nào của Hà Nội “trắng” về xe buýt. Về cơ bản đến nay mục tiêu đã hoàn thành. Giai đoạn 2: Không có trung tâm, thị trấn, khu đô thị, khu công nghiệp và trung tâm liên xã “trắng” về xe buýt. Giai đoạn 3: Đưa xe buýt về tận trung tâm các xã, các điểm thu hút hành khách lớn.
Với loại hình vận tải buýt điện mới được đưa vào vận hành cũng đang được Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái (Vinbus) đẩy nhanh tiến độ mở tuyến. Vinbus đã ký hợp đồng với nhà máy VinFast cung cấp xe theo tiến độ.
Cụ thể, đối với 6 tuyến mở mới, điều chỉnh thời gian mở tuyến 15 ngày với 3 tuyến E02, E06, E07.
Tuyến E02, E06, E07, E08, E09: Giai đoạn đầu (65 - 75% công suất) từ thời gian mở tuyến đến ngày 14/9/2022; Giai đoạn 2: (100% công suất) từ ngày 15/9/2022.
Tuyến E04: Vận hành 100% công suất từ thời gian mở tuyến.
Mở thêm 28 tuyến ngay trong năm nay
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Giao thông công cộng Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2025, thành phố dự kiến mở mới 90 -100 tuyến buýt.
Trong đó, năm nay Hà Nội sẽ mở 28 tuyến buýt. Cụ thể, đối với buýt điện, sẽ mở thêm 6 tuyến (tuyến E02, E04, E06, E07, E08, E09) nâng tổng số tuyến xe buýt điện lên 9 tuyến (đến tháng 4/2022 đã mở thêm được 2 tuyến xe buýt điện E02, E06).
Mở mới 5 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A (dự kiến đưa vào hoạt động trong quý II/2022). Mở mới 17 tuyến buýt khác trong năm 2022 (dự kiến triển khai trong quý III và IV/2022).
Theo ông Phương, việc này sẽ giúp kết nối vận tải khách theo hướng đa phương thức nhằm tăng cường khả năng kết nối, trung chuyển hành khách giữa đường sắt đô thị và hệ thống xe buýt, tạo thuận lợi cho hành khách khi sử dụng phương tiện công cộng.
Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận, kết nối của xe buýt tới các trung tâm phát sinh nhu cầu: Khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, bến xe, ga đường sắt đô thị, khu công nghiệp, chung cư…
“Để đảm bảo tiến độ đề ra, chúng tôi cũng đang đồng hành với các doanh nghiệp vận tải buýt để lên kế hoạch mở mới các tuyến nằm trong kế hoạch được giao”, ông Phương nói.
PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Giảng viên Trường Đại học GTVT cho rằng, thực tế hiện nay hệ thống VTHKCC trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ yếu vẫn là xe buýt, mạng lưới tuyến chưa được hình thành một cách rõ nét.
Việc trùng lặp giữa các tuyến trục - nhánh về lộ trình tuyến cao, dẫn đến khu vực trung tâm có khả năng tiếp cận tốt nhưng không hiệu quả tại khu vực ngoại ô từ Vành đai 3 trở ra.
Phương tiện hoạt động tập trung trên một số tuyến trục chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.
Kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng với nhau và kết nối với các khu dân cư còn hạn chế do thiếu các loại hình phương tiện vận tải sức chứa nhỏ (như: Xe đạp công cộng, xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện, xăng) bổ trợ.
Bà Thủy cho rằng, việc thiếu các loại hình vận tải hành khách sức chứa nhỏ phục vụ kết nối dẫn đến phạm vi bao phủ của mạng lưới VTHKCC bị hạn chế rất nhiều.
Nếu Hà Nội triển khai xe đạp công cộng, xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện, xăng có thể mở rộng phạm vi phục vụ của tuyến giao thông công cộng từ 4 - 6 lần so với đi bộ.
“Trong thời gian tới, các tuyến đường sắt đô thị sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng, mạng lưới vận tải hành khách công cộng trở lên ngày càng phức tạp. Mỗi phương thức có những đặc điểm riêng, đòi hỏi cần phải giải quyết vấn đề kết nối để phát huy được tối đa hiệu quả hoạt động của hệ thống”, bà Thủy cho biết.
Theo thống kê, tổng hành khách tham gia VTHKCC bằng xe buýt tại Hà Nội trong quý I/2022 đạt 38,6 triệu lượt hành khách (trong đó, sản lượng vận chuyển tháng 2/2022 đạt 13,3 triệu lượt, tăng 94,6% so với tháng 1/2022, sản lượng vận chuyển tháng 3/2022 đạt 18,5 triệu lượt, tăng 38,8% so với tháng 2/2022).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận