Sau khi triển khai mô hình “Cổng trường ATGT”, tình trạng ùn tắc trên đường Nguyễn Công Hoan đã giảm đáng kể, các phương tiện lưu thông đông nhưng không xảy ra ùn tắc kéo dài như trước
Ùn tắc tại cổng trường được “hạ nhiệt”
Chiều 17/3, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên tuyến đường Nguyễn Công Hoan (Ngọc Khánh, Ba Đình) chỉ rộng khoảng hơn 4m cho lưu thông hai chiều nhưng có tới hai trường học, hai bên đường có nhiều hộ kinh doanh buôn bán, rất đông phương tiện qua lại song giao thông giờ cao điểm cải thiện đáng kể so với trước.
Bình thường, vào giờ cao điểm, hàng nghìn phương tiện từ đường Nguyễn Chí Thanh, Ngọc Khánh lưu thông qua đường Nguyễn Công Hoan khiến tuyến đường “cõng” một lượng lớn phương tiện. Tuy nhiên, các luồng phương tiện qua lại thông thoát, dọc tuyến đường không xảy ta ùn tắc kéo dài.
Theo quan sát của PV, vỉa hè khu vực trường THCS Phan Chu Trinh và cổng sau trường Tiểu học Ngọc Khánh được cải tạo rộng gần 20m. Các phụ huynh khi đưa con đến cổng trường sẽ di chuyển lên vỉa hè đã được nhà trường chia thành các ô nhỏ, đánh số lớp cụ thể.
Để chống ùn tắc do không thể mở rộng vỉa hè, trường Tiểu học Ngọc Khánh đã mở 2 cổng, một cổng ở địa chỉ số 20 Nguyễn Công Hoan, ngay cạnh trường THCS Phan Chu Trinh, một cổng ở ngõ 20 Nguyễn Công Hoan.
Cùng đó, nhà trường bố trí một khoảng rộng trong sân trường để phụ huynh có thể ra - vào đưa đón con. Bảo vệ trường liên tục phát loa nhắc nhở những phụ huynh dừng đỗ chưa đúng quy định.
Ngoài ra, để đảm bảo ATGT cho phụ huynh, học sinh phía trước cổng trường, đơn vị chức năng thiết lập khung sắt ngăn cách với dòng phương tiện bên ngoài.
Chị Nguyễn Khánh Vân có con học lớp 8 ở trường THCS Phan Chu Trinh chia sẻ, trước đây do không có chỗ đứng chờ đón con nên chị cũng như nhiều phụ huynh khác buộc phải dừng đỗ dưới lòng đường.
“Có những hôm đón được con rồi mà nhích từng tí, mất cả nửa giờ đồng hồ mới thoát ra được đường lớn. Có hôm ùn tắc, sợ con chờ lâu lại phải gửi tạm xe ở một cơ quan gần đó rồi đi bộ vào trường đón con về”, chị Vân nói và cho biết, sau khi mô hình cổng trường ATGT được triển khai quy củ, nền nếp, các phụ huynh đều hưởng ứng và chấp hành, giao thông trên tuyến đường được cải thiện, việc đưa đón con thuận lợi hơn nhiều.
Ông Phương, phụ huynh của một học sinh lớp 3 ở trường Tiểu học Ngọc Khánh cũng cho hay: “Tình trạng ách tắc có giảm nhưng nếu như có thêm lực lượng công an phường kết hợp cùng nhà trường điều tiết giao thông sẽ hiệu quả hơn nhiều. Thực tế, có lúc nhiều phụ huynh chưa đỗ xe đúng vị trí, nhà trường cũng không thể quản lý hết được”.
Nhân rộng mô hình cổng trường ATGT
Để giảm ùn tắc, trường Tiểu học Ngọc Khánh đã thiết lập khoảng không trong khuôn viên trường cho các phụ huynh ra vào đón con
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Kiều Cao Trinh, Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, 2 trường THCS Phan Chu Trinh, tiểu học Ngọc Khánh nằm sát nhau trên một tuyến đường nhỏ. Thống kê của 2 trường cho thấy, số lượng học sinh lên đến trên 3 nghìn, vì vậy thời điểm tan tầm và đầu giờ sáng, ùn tắc thường xuyên xảy ra.
“Từ cuối năm 2020, Cục CSGT phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai mô hình cổng trường ATGT. Sau 4 tháng triển khai, đến nay mô hình cổng trường ATGT tại 2 trường trên đã cho thấy kết quả tích cực. Trên tuyến đường, khu vực cổng trường đã bớt ùn tắc. Sau thời gian thí điểm, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị đánh giá, nếu hiệu quả sẽ cho nhân rộng”, ông Trinh cho hay.
Cũng theo ông Trinh, năm 2021, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch yêu cầu các trường bố trí giãn giờ tan học của các khối, phân công giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn dạy tiết học cuối hướng dẫn học sinh xếp thành 2 hàng, khi tan học đi theo hướng đường của cổng trường.
Các tổ, đội sao đỏ các trường đều đặn thay phiên nhau hàng ngày phân luồng, hướng dẫn các bạn đi theo hàng, nhắc nhở phụ huynh đưa đón con đúng nơi quy định... Các trường cũng tổ chức cho học sinh ký cam kết không sử dụng xe máy, tuân thủ nghiêm Luật GTĐB.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, việc triển khai mô hình “Cổng trường ATGT” là cụ thể hóa công tác giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn, kỹ năng sống cho học sinh.
“Việc nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình này tại các trường sẽ góp phần bảo đảm TTATGT và giảm nguy cơ TNGT, nhất là TNGT liên quan đến trẻ em. Để tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình này, thời gian tới rất cần có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình”, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện nay có khoảng 70% học sinh được cha mẹ đưa đón và 10% học sinh đến trường bằng phương tiện đưa đón của nhà trường. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm có phương án cải thiện không gian tiếp cận trường học và nghiên cứu các giải pháp giúp học sinh có thể sử dụng dịch vụ vận tải công cộng và phương tiện phi cơ giới (xe đạp) hoặc đi bộ để đến trường một cách thuận lợi, an toàn hơn. Khi đó, nguy cơ TNGT cũng được kéo giảm. Trong khi đó, giảm ùn tắc cũng giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận