Thời sự

Hà Nội: Sẽ nhân rộng phạt xả rác bằng camera ra 4 quận

15/06/2019, 07:38

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đề nghị nhân rộng việc đặt camera giám sát xử phạt vi phạm xả rác trên địa bàn nhiều quận nội thành.

img
Nhân viên đặt máy để ghi lại hành vi xả rác không đúng quy định

Tuy nhiên, để việc làm này khả thi, nhiều ý kiến cho rằng cần áp dụng tối đa công nghệ, giảm nhân sự giám sát, đồng thời công khai hình ảnh những người cố tình chây ỳ không nộp phạt để răn đe...

Phạt người xả rác, đường phố xanh sạch đẹp

Chị Nguyễn Hằng Thu, nhân viên truyền thông của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) chia sẻ, sau hơn 1 tháng triển khai dùng dữ liệu từ camera, điện thoại thông minh để xử phạt hành chính đối với những hộ kinh doanh và người dân xả rác bừa bãi tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, bước đầu đã đạt được những kết quả vượt xa kỳ vọng. Người dân và khách vãng lai khi biết thông tin về “phạt nguội” đã có ý thức hơn rất nhiều trong việc bỏ rác của mình.

“Từ khi quận Hoàn Kiếm và Urenco đặt camera giám sát, đường phố sạch đẹp hơn. Các quán ăn, nhà hàng xung quanh gần như dứt hẳn tình trạng vứt rác bừa bãi. Chủ quán, khách hàng chủ động thu dọn gọn rác thải vào túi kín để tránh bị nộp phạt”, chị Hằng Thu nói và cho biết thêm, nhân viên truyền thông sẽ phối hợp với nhân viên phụ trách môi trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tuyên truyền cho người dân cũng như du khách bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Đối với một số trường hợp cố tình vi phạm, sẽ được nhân viên sử dụng điện thoại chụp lại và chia sẻ lên Zalo của nhóm để tổng hợp và báo cáo cơ quan chức năng.

“Camera sẽ quay ở những chỗ đông người để bố trí sản xuất sao cho hợp lý từng khu vực, nắm được múi giờ thời điểm nào đông người, thời điểm nào ít người. Đồng thời qua đó phát hiện tình trạng người dân, khách du lịch cố tình vi phạm vấn đề vệ sinh môi trường sẽ trích xuất clip xử phạt nếu phát hiện đúng người”, chị Hằng Thu khẳng định.

Từ đầu tháng 5 đến nay, sau hơn một tháng triển khai, đơn vị đã cung cấp hình ảnh để chính quyền xử phạt 26 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 40 triệu đồng. Trong đó, phạt một đơn vị tổ chức sự kiện với số tiền 8 triệu đồng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng giám đốc Urenco cho hay, thời gian đầu việc ghi hình xử phạt cũng rất khó khăn. Hành vi bỏ rác tùy tiện thường xảy ra rất nhanh, nếu máy quay lúc đó không trực tiếp chiếu thẳng vào người đó, rất khó để ghi hình lại.

Bên cạnh đó, không gian đi bộ có nhiều du khách đến từ nhiều nơi khác nhau nên việc xử phạt gặp khó khăn. “Việc bố trí nhân viên đặt máy quay, trực tiếp ghi hình không phải là giải pháp lâu dài vì quá lãng phí nhân lực. Họ cũng có thể đối mặt với nhiều rủi ro, phản ứng thái quá từ người vi phạm”, ông Tiến chia sẻ.

Ông Tiến đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm xem xét lắp đặt camera giám sát, ghi hình tại tất cả các tuyến đường trong không gian phố đi bộ; lắp đặt bảng điện tử tại các lối vào khu vực; đồng thời đưa hình ảnh người xả rác bừa bãi công khai tại khu vực này để tăng tính giáo dục và răn đe.

Đồng tình với giải pháp trên, GS. TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, theo dõi người xả rác bằng camera là giải pháp rất hay, đã được nhiều nước áp dụng và đạt hiệu quả cao. Có những quốc gia như Singapore, nhờ vào giải pháp này kết hợp với khung hình phạt đủ nặng đã nâng được ý thức tự giác của người dân lên rất cao. GS.TS Sùa cho rằng, đối với những trường hợp vi phạm nhiều, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, có thể cân nhắc đưa hình ảnh vi phạm lên các kênh truyền thông đại chúng để tạo tính răn đe, loại bỏ tâm lý “nhờn luật”.

“Về bộ máy thực hiện vận hành, giám sát vi phạm xả rác, chúng ta cũng cần áp dụng, “công nghệ hóa” thay vì huy động hàng chục con người túc trực, xử lý. Bộ máy vận hành được rút gọn, chi phí giảm đi thì việc nhân rộng ra các địa bàn khác mới khả thi”, GS.TS Sùa nói.

Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, vấn đề công khai hình ảnh quận sẽ xem xét. Nhưng đó chỉ là phương án dự phòng khi tình trạng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra thường xuyên. Theo ông Long, việc công khai hình ảnh của người xả rác cần cân nhắc kĩ, để tránh không vi phạm pháp luật liên quan đến hình ảnh của công dân. “Sau thời gian thí điểm ghi hình người vứt rác tùy tiện, đã thấy được ý thức bảo vệ môi trường của người dân, du khách được nâng lên rõ rệt”, ông Long nói.

Xem xét gửi hình ảnh vi phạm về nơi cư trú

Theo Điều 20 Nghị định 155 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Hành vi vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng.


Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tiến, tới đây sẽ đề xuất nhân rộng mô hình đặt camera ra địa bàn 4 quận trung tâm TP như: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa… để người dân chấp hành tốt việc xả rác đúng nơi quy định.

“Trong quá trình xây dựng chúng tôi sẽ xin ý kiến từ các cơ quan chức năng để có nhiều giải pháp hiệu quả, tạo “thói quen” chấp hành quy định cho người dân” ông Tiến nêu.

Ông Trương Minh Tiến, nguyên PGĐ Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho rằng, để mô hình này có thể nhân rộng vẫn phải có sự điều chỉnh. Cụ thể, bộ máy mô hình thí điểm hiện tại cần quá nhiều người quay camera, giám sát, xử phạt. Cơ quan chức năng cần tối ưu hóa công nghệ, gắn các camera cố định ở những vị trí phù hợp, có thể bao phủ giám sát không gian toàn tuyến phố để theo dõi quanh năm, thay vì chỉ một số ngày nhất định như thời gian thí điểm hiện tại.

Với các trường hợp vi phạm, chính quyền địa phương cần thông tin ngay và bố trí lực lượng liên ngành tăng cường TTKS, xử phạt tại chỗ để tính răn đe. Nếu hình ảnh thu được nhận diện rõ người vi phạm, có thể điều tra thông tin và thông báo hình ảnh xử phạt nguội về tận tổ dân phố, nơi ở.

“Trường hợp người vi phạm bị xử phạt “nóng” hay “nguội” không chấp hành quy định, ngoài việc kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, cần gửi cả thông tin người vi phạm đến tận tổ dân phố, khu dân cư đề nghị phê bình, nhắc nhở. Hoặc có thể “đánh” vào bình xét thi đua gia đình văn hóa để mọi người cảm thấy xấu hổ, từ đó điều chỉnh hành vi, không xả rác bừa bãi nữa”, ông Tiến đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.