Tại phiên chất vấn của Quốc hội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà trao đổi về công tác cách ly F1, phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở địa phương.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội)
Theo bà Hà, hiện tại Nghị quyết 28, Quyết định 4800 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế đều quy định: Phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, năng lực y tế, năng lực triển khai các khu cách ly tập trung, xem xét các điều kiện cách ly tại nhà, từng địa phương sẽ chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp về công tác phòng, chống dịch bệnh.
"Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng có dịch về và quản lý cách ly F1", bà Hà nói.
Theo bà Hà, trong mấy ngày gần đây, Hà Nội liên tục phát sinh những ca F0 trong cộng đồng, không rõ nguồn lây, đặc biệt trong ngày 9/11, thành phố ghi nhận 222 ca bệnh, trong đó có 105 ca ngoài cộng đồng. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dự báo tình hình dịch bệnh của Hà Nội sẽ diễn biến rất phức tạp và khó lường.
Trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh, Hà Nội sẽ tiếp tục có những điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, các biện pháp cách ly đảm bảo vừa thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết 128, vừa phù hợp thích ứng linh hoạt với tình hình cụ thể của địa phương.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, dự kiến, Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Thời gian qua, nhiều trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố đã được kích hoạt và tổ chức diễn tập với các tình huống giả định khi xuất hiện các chùm ca Covid-19 trong khu dân cư.
Với các tình huống giả định được đặt ra, các buổi diễn tập diễn ra thành công, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, theo dõi và chăm sóc người nhiễm Covid-19; đáp ứng khi công nhân có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19; phản ứng khi người dân mắc vi rút SARS-CoV-2 có diễn biến nặng cần xử lý kịp thời; khám, chữa bệnh thông thường cho người dân…
Theo đánh giá, các trạm y tế lưu động tại nhiều quận, huyện đã bảo đảm đầy đủ về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ các bình ô xy, thuốc theo danh mục…, tất cả đều đáp ứng yêu cầu.
Liên quan đến việc vì sao Hà Nội chưa áp dụng cách ly F1 tại nhà trong khi một số tỉnh, thành phía Bắc đã áp dụng, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội lý giải: "Đặc thù của Hà Nội khác các tỉnh".
Lý giải cụ thể về việc kiên định giữ nguyên việc cách ly tập trung F1 và việc điều trị tập trung F0, ông Tuấn cho biết, Hà Nội vẫn đủ nguồn lực để tổ chức cách ly tập trung với số lượng như hiện nay và Hà Nội đặc thù đất chật người đông không đảm bảo đủ an toàn khi cách ly tại nhà. Đến khi toàn thành phố khoảng hàng trăm nghìn trường hợp F1 trở lên mới tính đến phương án cách ly tại nhà.
Ông Tuấn cũng cho biết, tới đây thành phố sẽ không đưa những trường hợp F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động. Việc lập trạm y tế lưu động tại các địa phương cũng tương tự điều trị tại nhà. Bởi các trạm y tế lưu động này không cố định, không điều trị tập trung. Các quận, huyện, xã, phường đều phải có các địa điểm để điều trị cho F0 không triệu chứng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận