Xã hội

Hà Nội: Sông Hồng có thể đạt đỉnh lũ, 28 điểm đê xung yếu cần quan tâm

11/09/2024, 12:21

Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng trên mức báo động 2 và dưới báo động 3, 28 điểm đê xung yếu người dân cần quan tâm.

Lũ trên sông Hồng trên mức BĐ2 0,36m

Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn vừa phát bản tin cập nhật lúc 9h sáng 11/9 cảnh báo về tin lũ đặc biệt lớn trên sông Thao; tin lũ khẩn cấp trên các sông: Lô, Cầu, Thương, Hoàng Long và tin lũ trên các sông: Thái Bình, Lục Nam, Hồng...

Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa 11/9, trên mức báo động (BĐ) 2 và dưới BĐ3.

Cụ thể, theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 10,86m (trên BĐ2 0,36m); mực nước trên sông Đuống tại Thượng Cát là 10,11m (trên BĐ2 0,11m).

Mực nước trong sông đang ở mức cao, mực nước lũ gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp ở một số khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân cư của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại một số khu vực thuộc các quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh.

Với mực nước lũ đang tiếp tục lên cao, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất tại các khu vực ven sông là rất lớn. Các tuyến đê thuộc các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm và Đông Anh đang đối mặt với nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.

Ban Chỉ huy cũng cảnh báo, mực nước lũ dâng cao sẽ gây ngập sâu tại các vùng trũng thấp, khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều khu dân cư. Điều này có thể đe dọa đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, cũng như tính mạng và tài sản của người dân, đặc biệt là tại các huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm và Đông Anh.

Hà Nội: Sông Hồng có thể đạt đỉnh lũ, 28 điểm đê xung yếu cần quan tâm- Ảnh 1.

Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng trên mức báo động 2. (Ảnh minh họa: Hồng Quang)

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội cho biết, theo báo cáo các công ty thủy lợi tính đến 7h ngày 11/9 toàn TP Hà Nội đã vận hành 254 trạm bơm tiêu với 1.044 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 3.177,88m3/h.

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, diễn ra tình trạng úng ngập tại lưu vực sông Nhuệ; Hầm chui Km 9+656, Hầm chui số 3, số 5, số 6 Đại lộ Thăng Long; ngã 3 đại lộ Thăng Long - Lê Trọng Tấn, điểm Sunhouse. Công ty đã triển khai mở đập Thanh Liệt, vận hành 18/20 máy bơm tiêu hỗ trợ cho sông Nhuệ.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Đề đã vận hành mở đập Thanh Liệt, các trạm bơm đồng bông 1, 2 Cổ Nhuế, cầu Bươu hoạt động không vượt quá 50% công suất, trạm bơm Yên Sở vận hành 18/20 bơm.

28 điểm đê xung yếu cần quan tâm

Hà Nội có có 7 con sông chảy qua: Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy và các sông nội tỉnh: Sông Tích, sông Bùi, sông Thanh Hà.

Hệ thống đê điều lớn, thành phố Hà Nội hiện có tổng số 626,513km đê được phân cấp: 37,709km đê hữu Hồng (đoạn Hà Nội cũ) là đê cấp Đặc biệt; 249,578km đê cấp I (hữu Hồng, tả Hồng, tả - hữu Đuống, tả Đáy I, Vân Cốc); 45,004km đê cấp II (gồm 4 tuyến: Hữu Đà, tả Đáy II, La Thạch, Ngọc Tảo); 72,165km đê cấp III (gồm 7 tuyến: Hữu Cầu, tả Cà Lồ, hữu Cà Lồ, hữu Đáy, Quang Lãng, Liên Trung, Tiên Tân); 160,016km đê cấp IV (gồm 9 tuyến: Hữu Đáy, tả Tích, tả Bùi, hữu Bùi, Mỹ Hà, Khánh Minh, Vòng Ấm, Đô Tân, đê bao hồ Quan Sơn - Tuy Lai - Vĩnh An); 62,041km đê cấp V (gồm các tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng).

Ngoài ra, thành phố còn có 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài 213,93km chưa được phân cấp.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, mực nước sông Hồng tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng trong ngày 11/9, 28 điểm đê xung yếu cần quan tâm.

Tại đê Tả Đuống có 4 vị trí được cảnh báo xung yếu K0+000 - K2+000 đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu (Đông Anh), K10+645, cống Thôn (Sóc Sơn); K8+850-K9+400, kè Yên Viên và K8+850 - K9+400, kè Yên Viên (Gia Lâm).

Đê Hữu Hồng, 11 vị trí cảnh báo xung yếu bao gồm: K53+450, cống Liên Mạc (Bắc Từ Liêm); K46+000 - K47+000, đê hữu Hồng, kè Liên Trì (Đan Phượng); K58+755 - K62+500 (Tây Hồ); K101+030, cống Bộ Đầu (Thường Tín); K0+200 - K0+300, kè Thái Hòa, K4+000 - K8+600 đê, kè Cổ Đô, K21+500 - K22+800 kè Chu Minh (Ba Vì).

K32+000 - K35+000 đê Sen Chiểu (Phúc Thọ); K78+108 cống Yên Sở (Hoàng Mai); K96+400 - K97+900 kè An Cảnh (Thường Tín); K117+930 cống TB dã chiến, kè Quang Lãng (Phú Xuyên).

Đê Tả Hồng 3 vị trí cảnh báo xung yếu gồm: K43+035 cống TB Văn Khê (Mê Linh) và K57+900/K57+466 cống TB Phương Trạch 1,2, K60+250 cống trạm bơm Vĩnh Thanh (Đông Anh).

Đê Tả Cà Lồ 2 vị trí bao gồm: K6+705 cống Thu Thủy và K8+955 cống Lủ Trung (Sóc Sơn); Đê Tả Đáy 2 điểm: K65+350 cống Vân Đình và K65+820 cống Thái Bình (Ứng Hòa); đê Hữu Đáy 2 điểm K5+500 cống Thụy Đức và K5+762 cống Tây Ninh, K14+190 cống Hoàng Ngô (Quốc Oai).

Đê Hữu Đà tại khu vực K4+100 - K5+700 kè Khê Thượng (Ba Vì); đê Hữu Đuống tại K4+500 - K5+750 kè Thanh Am - Tình Quang (Long Biên).

Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia vừa phát đi tin cảnh báo dông, tố, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn trên phạm vi khu vực Hà Nội lúc 11h35. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Cụ thể, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh và ảnh radar thời tiết cho thấy vùng mây đối lưu vẫn đang tồn tại và phát triển gây mưa cho khu vực Hà Nội. Ngoài ra, vùng mây đối lưu mạnh trên khu vực Bắc Ninh, Hưng Yên có xu hướng tiếp tục di chuyển về phía Hà Nội.

Trong 3 giờ tới, những ổ mây đối lưu này tiếp tục gây mưa rào và dông cho các quận nội thành Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.