Nhiều ca nhập viện vì sốc sốt xuất huyết
Em N.T.L (17 tuổi) được gia đình đưa đến BV ĐK Tâm Anh Hà Nội trong tình trạng mạch yếu, đầu chi lạnh, không có nước tiểu trong 6 giờ. Bác sĩ chẩn đoán L sốc do SXH Dengue, mạch máu bị tổn thương, giãn mạch gây thoát huyết tương nặng, dẫn đến tụt huyết áp. Tình trạng này làm giảm tưới máu các cơ quan gây sốc, khiến bệnh nhân choáng ngã.
L vẫn còn rất may mắn vì đến viện kịp thời. Sức khỏe L dần hồi phục, huyết áp và mạch bình thường, đầu chi ấm, tiểu được.
ThS.BS Nguyễn Thị Thúy Hậu, Khoa Nội tổng hợp, BV Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết sốc là biến chứng nguy hiểm của SXH. Người bị sốc SXH trong 24-48 giờ có thể nguy kịch do suy đa tạng, tử vong nếu không được chữa trị.
Còn tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị cho một số bệnh nhân SXH nhập viện trong tình trạng rất nặng, thậm chí nguy kịch.
Điển hình như nữ bệnh nhân 32 tuổi ở Hoài Đức (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp. Sau chiếu chụp, phát hiện bệnh nhân bị tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều. Kèm theo tình trạng cô đặc máu, tăng Hematocrit và giảm tiểu cầu, men gan tăng rất cao, hơn 8.000 đơn vị (thông thường từ 20-40 đơn vị).
Theo gia đình, khi phát hiện mắc SXH, nữ bệnh nhân này đã truyền dịch trong 3 ngày đầu, nhưng cơ thể yếu dần nên được đưa tới bệnh viện. Bệnh nhân được chẩn đoán SXH Dengue thể nặng.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện, dịch ổ bụng màng phổi đã giảm rõ rệt, ăn uống, đi lại được, tiểu cầu đã trở về bình thường.
Thống kê từ BV Bệnh nhiệt đới, 2 cơ sở của bệnh viện có 157 ca SXH điều trị, trong đó 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo. Riêng Khoa Cấp cứu cơ sở 2 Kim Chung (Đông Anh) hiện mỗi ngày khám trên dưới 50 ca SXH, trong đó có 3-5 ca SXH Dengue nặng.
Không chủ quan với SXH dù đã hết sốt
BS Hậu cho biết, người bị sốt cao 39-40 độ sang ngày thứ 2-3 không rõ nguyên nhân cần được làm các xét nghiệm loại trừ SXH. Người bệnh sốt kèm trạng thái mệt mỏi, li bì, nhức người, đau cơ khớp, nhức mắt là dấu hiệu SXH, cần khám ngay.
Người bệnh cần truyền dịch đúng đủ về liều lượng và tốc độ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Truyền quá nhiều dịch có thể gây phù phổi, suy hô hấp. Nếu có dấu hiệu cô đặc máu không truyền dịch đúng, đủ có thể tụt huyết áp, giảm tưới máu đến các cơ quan, gây sốc.
"Cần lưu ý giai đoạn nguy hiểm thường diễn ra ngày 3-7, thông thường người bệnh giảm sốt nên chủ quan. Lúc này, tiểu cầu vẫn tiếp tục giảm nhiều và xuất hiện cô đặc máu, cần được theo dõi sát.
Để phòng sốc SXH sau khi hết sốt, người bệnh cần theo dõi thêm một tuần và lưu ý dấu hiệu như: Xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, ra máu kinh bất thường ở phụ nữ, li bì hoặc khó thở", BS Hậu cho biết.
Hiện, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Người bệnh cần bù nước bằng oresol, nước hoa quả, nước lọc, nước dừa.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân SXH nhập viện có xu hướng tăng nhanh trong những ngày qua. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4-5 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo sốc SXH với biểu hiện đau bụng, đau tức vùng gan, chảy máu niêm mạc, tiểu cầu thấp, máu cô đặc.
Tổng số ổ dịch tính đến thời điểm hiện tại là 730. Hiện, còn 258 ổ dịch đang hoạt động tại 30 quận, huyện, thị xã.
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch SXH với số ca mắc không ngừng gia tăng.
Công tác giám sát phòng, chống SXH tiếp tục tập trung tại các ổ dịch ở các quận, huyện: Thanh Trì, Thanh Oai, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Hà Đông, Phúc Thọ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận