Vận tải

Hà Nội thay buýt cũ, mở rộng vùng phục vụ

14/09/2016, 09:08
image

Tới đây thành phố sẽ đầu tư lớn để thay thế xe buýt cũ và mở rộng vùng phủ sóng của các tuyến buýt.

18

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, tới đây thành phố sẽ đầu tư lớn để thay thế xe buýt cũ và mở rộng vùng phủ sóng của các tuyến buýt.

Phân biệt tuyến bằng màu sơn

TCT Vận tải Hà Nội (Transerco) vừa đưa hàng loạt xe buýt mới vào hoạt động trên một số tuyến với màu sơn mới. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về hình ảnh mới này của xe buýt Hà Nội?

Chúng tôi đang có nhiều chương trình phát triển quan trọng cho xe buýt, đặc biệt là tăng cường chất lượng dịch vụ. Ngoài một loạt các giải pháp kỹ thuật, chúng tôi sẽ thay đổi hình ảnh của xe buýt, đồng thời nâng cao chất lượng của phương tiện đang vận hành hiện nay. Cụ thể, từng bước thay thế phương tiện cũ nát, đổi mới hình ảnh, trang thiết bị trên xe buýt, tạo hình ảnh mới, tiện dụng hơn cho hành khách sử dụng xe buýt.

"Việc đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025 sẽ phát triển bao nhiêu tuyến buýt, bao nhiêu xe buýt đều nằm trong khuôn khổ Đề án phát triển dịch vụ và tăng cường mạng lưới xe buýt do Transerco đang triển khai xây dựng. Chúng tôi sẽ phối hợp và có những số liệu sau khi đề án hoàn thành”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải

Đầu tuần này, Transerco chính thức đưa 25 xe buýt mới vào hoạt động trên hai tuyến buýt số 36 (Yên Phụ - Linh Đàm) và số 38 (Nam Thăng Long - Mai Động). Đây đều là các xe sàn bán thấp, đạt tiêu chuẩn khí thải EURO 3; trang bị 3 bảng điện tử thông tin led hiện đại, văn minh; có wifi miễn phí trên xe, hệ thống GPS được nâng cấp, hệ thống âm thanh kết nối tự động thông báo điểm dừng đỗ sắp tới được cập nhật theo hướng thuận tiện, ngắn gọn và dễ hình dung địa điểm, gần gũi với hành khách.

Transerco sẽ từng bước triển khai trên toàn bộ các tuyến buýt của Transerco sử dụng màu sơn đặc trưng để phân biệt các loại hình tuyến khác nhau bao gồm các tuyến trục chính, trung tâm nội đô, các tuyến từ trung tâm Hà Nội đi sân bay, các tuyến đi ra ngoại thành…

Từ nay đến cuối năm thay thế khoảng bao nhiêu xe buýt và những tuyến nào sẽ được ưu tiên, thưa ông?

Ngoài những tuyến buýt nói trên, dự kiến từ nay đến cuối năm, chúng tôi có thể triển khai thêm 6 tuyến nữa với hình thức mới, hình ảnh mới như tuyến buýt 36 và 38 vừa đưa vào hoạt động.

Để thay thế một lượng xe buýt lớn, cần phải giải bài toán tài chính. Mạng lưới xe buýt toàn thành phố có 1.400 xe. Để thay cả 1.400 xe này không phải là chuyện nhỏ mà phải có lộ trình.

Theo tôi, lộ trình phù hợp là lựa thời điểm phương tiện hết niên hạn sử dụng, đồng thời, phải có cơ chế hỗ trợ. Hiện nay, Nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ về thuế cho các phương tiện xe buýt, chúng ta có thể vận dụng.

Tôi cũng muốn nói rằng, nhiều phương tiện không đủ điều kiện niên hạn sử dụng cho xe buýt nhưng vẫn còn thời hạn để thực hiện phương tiện vận tải hành khách thì phải chuyển đổi, sử dụng hợp lý tránh lãng phí sao cho những phương tiện đó vẫn có thể tiếp tục phát huy hiệu quả ở các lĩnh vực khác.

>>>Xem thêm video:

Mở rộng vùng hoạt động của xe buýt

Ùn tắc giao thông đang là vấn đề lớn của Thủ đô. Xe buýt sẽ giúp giải quyết hiệu quả vấn đề này?

Giảm ùn tắc bằng phát triển vận tải hành khách công cộng, trong đó có xe buýt luôn là giải pháp rất bền vững, cơ bản. Tôi cho rằng, xe buýt vẫn đóng vai trò chủ đạo trong giao thông công cộng của Thủ đô giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Hiện nay, các khu đô thị ở Hà Nội phát triển rất nhanh. Vấn đề phát triển mới các tuyến xe buýt chạy kết nối các khu đô thị này sẽ được quan tâm, thưa ông?

Mở rộng vùng phục vụ và kết nối với các khu vực nhằm thu hút nhu cầu đi lại bằng xe buýt chính là mục tiêu mà hiện nay chúng ta đang thực hiện triển khai để điều chỉnh mạng lưới. Phải nói rằng, mạng lưới buýt hiện nay tập trung khá nhiều ở khu vực nội đô trung tâm. Với sự phát triển và đô thị hóa rất nhanh như hiện nay thì việc mở rộng các tuyến xe buýt sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ ở trung tâm thành phố và thông qua đó cũng góp phần giảm sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc trong nội đô.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, có nhiều khu đô thị chưa quan tâm tới tổ chức giao thông nội bộ và giao thông công cộng. Tại nhiều khu đô thị mới hình thành, quỹ đất dành cho giao thông công cộng rất hạn chế. Hiện nay, việc để xe buýt tiếp cận tới các khu đô thị thì yêu cầu đầu tiên là phải có hệ thống giao thông thuận tiện để xe buýt tiếp cận và có hạ tầng cho xe buýt để việc vận hành được an toàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát để lựa chọn vị trí, lộ trình phù hợp.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.