Cấm xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2
Sáng 12/12, với sự thống nhất cao, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo nghị quyết, tiêu chí xác định vùng phát thải thấp được xác định cụ thể là: thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông từ mức độ D đến F theo TCVN 13592:2022 Đường đô thị- Yêu cầu thiết kế;
Chất lượng không khí trung bình năm đánh giá trong tối thiểu một năm gần nhất không đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí (QCVN 05:2023/BTNMT) đối với các thông số chính: SO2, NO2, Tổng bụi lơ lửng TSP; Bụi PM10, Bụi PM2,5.
Điều kiện tổ chức vùng phát thải thấp gồm: Khu vực được quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng hoặc khu vực có đủ điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ để tổ chức giao thông phù hợp; Có phương án giám sát, đánh giá về mức độ phát thải và quá trình giảm phát thải trong khu vực; Có điều kiện đáp ứng các giải pháp chuyển đổi phương tiện giao thông phù hợp.
Căn cứ vào một trong các tiêu chí quy định trên, UBND cấp huyện lập đề án vùng phát thải thấp phù hợp với đặc thù và năng lực của địa phương. Cơ quan lập đề án có trách nhiệm niêm yết công khai đề án trên phương tiện thông tin đại chúng;
Tổ chức lấy ý kiến của tổ chức có trụ sở tại vùng phát thải thấp, cá nhân cư trú trong vùng phát thải thấp trong thời gian tối thiểu 30 ngày; lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, giao thông vận tải của thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Các biện pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp được quy định cụ thể như sau: Cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền được lưu thông trong vùng phát thải thấp;
Cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp; Hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/ thời điểm hoặc khu vực;
Đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp;
Đề xuất chính sách hỗ trợ những đối tượng sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải;
Đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch từ ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Lộ trình cụ thể thực hiện như sau: Từ năm 2025 đến năm 2030 thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; Khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp.
Từ năm 2031 trở đi, các khu vực trên địa bàn thành phố có một trong các tiêu chí quy định tại nghị quyết này phải thực hiện vùng phát thải thấp.
Nhiều thành phố trên thế giới áp dụng vùng phát thải thấp
Báo cáo thẩm tra của HĐND thành phố nêu rõ, Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với các thách thức, bất cập trong công tác quản lý và bảo vệ chất lượng môi trường không khí do chất lượng không khí đang có chiều hướng suy giảm trên diện rộng, tác động không nhỏ đến sức khỏe người dân.
Đến nay, vùng phát thải thấp đã được triển khai tại 320 thành phố của châu Âu. Tại châu Á, thủ đô các nước và các thành phố cũng bắt đầu triển khai vùng phát thải thấp như Bắc Kinh, Tây Ninh, Ngạc Châu (Trung Quốc); Seoul (Hàn Quốc); Jakarta (Indonesia)...
Trên cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, việc ban hành nghị quyết của HĐND TP về Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn là cần thiết và đúng thẩm quyền.
Trước đó, làm rõ thêm về các vấn đề cử tri quan tâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, khi xây dựng dự thảo nghị quyết các đơn vị đã lấy ý kiến rộng rãi ở 30 quận, huyện, thị xã. Nghị quyết cũng có lộ trình cụ thể; ý kiến người dân cơ bản đồng tình với các nội dung của nghị quyết.
Liên quan đến việc tác động đến người dân thế nào, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Phi Thường dẫn chứng việc Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) khi chuyển đổi phương tiện kèm theo nhiều cơ chế chính sách từ dùng nguyên liệu xăng dầu chuyển sang năng lượng xanh đến có chính sách hỗ trợ người dân.
Ông Thường thông tin thêm, trong các nội dung mà sở đang chuẩn bị để cụ thể hóa Luật Thủ đô có chính sách liên quan đến nội dung này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận