Giá đất tại Đông Anh, đặc biệt khu vực dự kiến xây cầu Tứ Liên đang bị sốt ảo |
“Đất tăng nhanh, muốn mua cũng khó” (!?)
Giữa trưa, vừa đỗ xe bước xuống quán nước ven đường nối cầu Đông Trù (xã Đông Hội, Đông Anh), một thanh niên đi xe Wave đỗ xịch ngay trước mắt chúng tôi hỏi: “Mua đất à, đất nền hay đã xây?”. Trong lúc chúng tôi còn chưa kịp trả lời, thấy một chiếc ô tô khác chạy chầm chậm qua, người này nhanh chóng vẫy tay một thanh niên khác đang ngồi uống nước gần đó: “Biển số lạ đấy, bám theo đi”…
Chưa chốt phương án thiết kế cầu Tứ Liên Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên. Hội đồng có nhiệm vụ xây dựng nhiệm vụ thiết kế và Quy chế tuyển chọn trình UBND thành phố phê duyệt; Trên cơ sở danh sách các đơn vị tư vấn thiết kế đăng ký tham gia dự tuyển, hồ sơ năng lực và dự thảo phương pháp tiếp cận nghiên cứu của các đơn vị, lựa chọn phương án tối ưu từ ít nhất 3 phương án đề xuất của các đơn vị; Đánh giá và xếp hạng các phương án tuyển chọn… báo cáo kết quả lên UBND thành phố và đề xuất các giải pháp thực hiện. |
Ngồi xuống trò chuyện, người thanh niên giới thiệu tên là N.C.Q, chuyên hành nghề môi giới đất dự án, đất nền, đất thổ cư tại khu vực Đông Hội. “Cách đây vài năm, đất ở đây chỉ khoảng chục triệu đồng/m2 nhưng nay thì lên nhanh lắm, giờ muốn tìm mua đất cũng khó. Anh chị cứ nói tầm tiền bao nhiêu, tôi sẽ dẫn tới mảnh đúng ý”, vừa nói Q. vừa cầm cục gạch vẽ vẽ kẻ kẻ xuống nền đường: “Đây là thôn Hội Phụ, anh chị đang đứng ở vị trí đất cực đẹp. Khi dự án cầu Tứ Liên được triển khai ở đây, kết hợp với cầu Đông Trù ở đây, đường cầu Tứ Liên tương lai ở đây… sẽ tạo thành tam giác. Sau khi đường Tứ Liên hoàn thành, đi qua cầu Tứ Liên sang Hồ Tây chỉ khoảng 4km…”. Khi được hỏi giá đất nền có sổ đỏ là bao nhiêu, Q. cho hay, khoảng từ 25-30 triệu đồng/m2. Thấy chúng tôi lắc đầu chê đắt, Q. tiếp lời: “Giá đấy là ở trong ngõ, còn muốn ô tô đi vào thoải mái thì phải hơn nữa. Còn rẻ hơn, anh chị có thể mua đất giãn dân, đất dự án, tầm 23-25 triệu đồng/m2”. Khi được hỏi đất đó có làm được sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), Q. cam kết: “Làm được, cứ bỏ ra một nửa tiền cho chủ đất, tới bao giờ có sổ đỏ giao nốt. Tuy nhiên, phải nói trước là làm sổ đỏ nhanh cũng mất 4-5 tháng đấy”. Nói rồi, Q. dẫn chúng tôi đi thăm ô đất giãn dân nằm phía ngoài đê. Trong lúc này, điện thoại của Q. cứ réo liên tục với các cuộc gọi chỉ xoay quanh chuyện giao dịch đất cát.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Đông Hội phủ nhận tình hình sốt đất tại địa bàn: “Có thấy mua bán gì đâu, vẫn bình thường. Làm gì có giao dịch mà sốt đất. Chẳng qua giới cò mồi cứ lượn lờ quanh khu vực thổi thông tin ảo lên thôi!”. Cũng theo ông Duy, nếu là lô đất hợp pháp, người dân đã làm thủ tục cấp sổ đỏ hết rồi, không thể có chuyện đất dự án hay giãn dân được phép xây nhà mà lại chưa có sổ. “Không thể tin lời cò mồi, họ muốn bán được đất bao giờ chả tung thông tin ảo”, ông Duy cho hay.
Dân tự vẽ quy hoạch, thổi phồng giá đất
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), xung quanh các khu vực dự kiến xây 4 cây cầu qua sông Hồng gồm: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Giang Biên và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đều đã có các hoạt động tổ chức đầu tư hạ tầng khiến giá đất có xu hướng tăng lên. “Dù giá trị thực tế từ cơ sở hạ tầng chưa có, song tại các dự án bám vào quy hoạch 4 cây cầu, dù đang hoàn thiện cũng đều có sự biến động về giá. Đặc biệt, tại khu vực Đông Hội, Đông Anh”, ông Đính nhận định.
Nói về mức tăng, ông Đính cho biết: Tại Đông Anh, những dự án nằm trong quy hoạch, cộng hưởng với tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đều có sự điều chỉnh giá song chỉ ở mức nhỏ, tăng từ 2-5% tùy từng dự án, vị trí. “Đất nền của các dự án đã được phê duyệt tại Đông Anh hiện đang ở mức 20-23 triệu đồng/m2, nếu có đầu tư hạ tầng đẹp mới lên tới 30-35 triệu đồng/m2”. Theo vị Tổng thư ký, giá đất tăng khiến lượng giao dịch cũng đã giảm sút. “Lượng giao dịch quý III tại Đông Anh đã giảm tới 30% so với quý II”, ông Bính nói.
Trong khi đó, theo thống kê của VARS, thị trường bất động sản tự phát bên ngoài các dự án tại Đông Anh lại có mức tăng chóng mặt. “Người dân tự tung tin, đồn thổi giá để trục lợi, thậm chí bịa đặt ra những quy hoạch không có để mồi chài khách. Không ít trường hợp còn lôi đất ruộng ra san lấp, cắm cọc xây lô phân nền và nói rằng có dự án đường nọ kia hình thành để tăng giá gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với giá trị thực. Chính những giới cò mồi cũng tạo ra khung cảnh tranh giành mua - bán ảo”, ông Đính nói. Cũng theo vị đại diện VARS, giá đất thực tại Đông Anh chỉ khoảng trên dưới chục triệu đồng/m2.
Không chỉ Đông Anh, tình trạng sốt đất ảo cũng diễn ra tại Long Biên, quanh khu vực dự kiến xây cầu Trần Hưng Đạo. Nhắc lại bài học sốt đất tại Ba Vì hay mới đây nhất là đất ven đô TP HCM cũng từ nguyên nhân “ôm đất nền đón đầu quy hoạch”, ông Đính khuyến cáo nhà đầu tư tại Long Biên và Đông Anh phải hết sức tỉnh táo. “Trước hết, cần kiểm tra tính pháp lý của mảnh đất có đủ điều kiện để kinh doanh bất động sản hay không? Không nên mua theo lời hứa, tư vấn ảo mà cần tìm hiểu quy hoạch tại địa điểm khu đất mình dự định mua thông qua văn phòng đăng ký đất hai hoặc các cấp có thẩm quyền”, ông Đính nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận