"Các đại diện của tôi vừa rời Triều Tiên sau khi có buổi làm việc rất hiệu quả và đồng ý về thời gian và địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với ông Kim Jong Un. Nó sẽ diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 27 và 28/2. Tôi mong gặp Chủ tịch Kim và thúc đẩy tiến trình hòa bình" - Đó là những dòng tweet ngắn ngủi được Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hôm mùng 5/2. Nó đã ngay lập tức xóa tan những đồn đoán kéo dài nhiều tháng trước đó về địa điểm tổ chức cuộc gặp lịch sử lần hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.
Khỏi phải nói, thông báo này đã tạo ra một sức hút như thế nào với báo giới. Địa danh Hà Nội, Việt Nam chưa khi nào được nhắc với tần suất dày đặc trên truyền thông khắp thế giới như trong những ngày qua.
Không quá khó để đoán rằng tại sao cả Mỹ và Triều Tiên lại thống nhất muốn cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 được tổ chức tại Hà Nội. Xét về ý nghĩa ngoại giao thì Hà Nội đáp ứng đủ các yếu tố hợp lý khách quan như là thủ đô của một quốc gia trung lập, có quan hệ tốt với các 2 nước, đủ hạ tầng phát triển cho các hội nghị quan trọng, không bị tác động về tâm lý hay lịch sử, tạo thuận lợi cho không khí đàm phán.
Nhưng quan trọng hơn hết chính là sự an toàn và thân thiện, điều mà cả Mỹ và Triều Tiên rất coi trọng. Hà Nội từng được báo chí quốc tế nhắc đến rất nhiều như một nơi đặc biệt an toàn, thậm chí cho cả các chính khách.
Nhiều chính khách của các cường quốc cũng phải ấn tượng với sự hiếu khách của người Hà Nội. Hình ảnh của Thủ tướng Australia John Howard chạy bộ buổi sáng bình dị quanh hồ Hoàn Kiếm tại Hội nghị cấp cao APEC 14 đã trở thành câu chuyện về một Hà Nội an toàn và hiếu khách.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng rất ngạc nhiên trước sự chào đón nồng nhiệt ngay khi ông đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Có lẽ, để đáp lại sự mến khách ấy, ông chủ Nhà Trắng đã quyết định ăn bún chả ở một quán bình dân trên phố Lê Văn Hưu, và không ngần ngại trò chuyện cởi mở với người bán nước chè tại chợ Mễ Trì...
Cũng với sự chào đón hồn hậu ấy, Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande khi thăm Việt Nam đã đi bộ tới nhiều điểm đến văn hóa trong khu phố cổ Hà Nội. Ông đến một quán cà phê và vào trong trò chuyện với các cựu sinh viên từng du học tại Pháp.
Bản thân Tổng thống Donald Trump khi thăm chính thức Việt Nam hồi năm 2017cũng có những ấn tượng rất tốt đẹp với Hà Nội. Ông đã tự mình livestream hình ảnh cầu Nhật Tân trên tài khoản cá nhân tweeter của mình, nơi có hàng triệu người theo dõi. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra gợi ý về một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Viêt Nam.
Do đây là cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai, nên cả Mỹ và Triều Tiên sẽ muốn đạt được một kết quả thực chất hơn so với hội nghị đầu tiên.
Nhiều đồn đoán, hội nghị có thể ra Tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Trong khi vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên còn nhiều gai góc và khó có thể nhanh chóng giải quyết, việc tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên dù mang tính biểu tượng nhưng vẫn là một kết quả vô cùng có ý nghĩa.
Phía Triều Tiên có thể muốn đạt được một tuyên bố như vậy để thể hiện thiện chí và tạo thuận lợi cho đàm phán cải thiện quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc.
Bằng việc lựa chọn Hà Nội, Việt Nam, có lẽ hai nhà lãnh đạo muốn gửi một thông điệp chiến lược mạnh mẽ tới thế giới rằng họ sẵn sàng đưa ra một quyết định mang tính đột phá để biến cựu thù thành bạn bè và cùng nhau xây dựng thế giới tốt đẹp hơn, theo hình mẫu của quan hệ Việt - Mỹ.
Và Hà Nội, nơi đang mang trên vai sứ mệnh “thành phố vì hòa bình” đã và luôn sẵn sàng làm chiếc cầu nối cho một trong những tiến trình hòa bình mang tính biểu tượng lịch sử này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận