Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 HĐND TP.Hà Nội khóa XV sáng 8/7, UBND TP.Hà Nội đã trình HĐND thành phố xem xét báo cáo phương án vay lại vốn thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông.
Về phương án vay lại Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, tại báo cáo thẩm tra, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga nêu, khoản vay lại không làm vượt hạn mức dư nợ hằng năm của thành phố và không tính vào bội chi ngân sách địa phương. Ban thống nhất với chủ trương thực hiện vay lại vốn vay nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ như UBND thành phố trình.
Về một số nội dung liên quan đến thời điểm thành phố bắt đầu nhận nợ, tiến độ phải thực hiện hoàn trả đối với số nợ gốc và lãi đã được Bộ GTVT ứng ra trả trước thời điểm bàn giao dự án, khả năng cân đối ngân sách trong trường hợp bắt đầu trả nợ ngay từ năm 2019..., ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội giải thích: Hà Nội là địa phương tự chủ ngân sách, theo quy định của Luật ngân sách, Luật tài sản công, địa phương nào được hưởng thụ công trình được đầu tư bằng vốn vay ODA thì địa phương đó có trách nhiệm trả nợ ODA.
Ông Quyền cho hay trên cơ sở xác định thời điểm nhận nợ là thời điểm Bộ GTVT tải bàn giao dự án cho Hà Nội và dự án chính thức đi vào hoạt động.
Vì thế các khoản vay để chi phí vận hành dự án sẽ được bàn giao lại cho Hà Nội để thành phố có trách nhiệm trả nợ cho ngân sách trung ương.
Trong dự trù kinh phí năm 2019, TP.Hà Nội đã chủ động cân đối để đảm bảo trả nợ cân đối nguồn kinh phí này. Theo đó, Hà Nội sẽ vay lại 2.300 tỉ đồng phần kinh phí vận hành thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Việc vay lại hơn 2.300 tỉ đồng này, được chia làm 3 khoản vay. Khoản thấp nhất gần 10 triệu USD, 2 khoản khác mỗi khoản hơn 41 triệu USD và 47 triệu USD. Hà Nội sẽ phải trả nợ cho ngân sách trung ương với lãi suất 4%/năm. Dự kiến khoản vay cuối cùng sẽ được trả xong vào tháng 7/2032.
*Cuối giờ sáng cùng ngày, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2019 với tỷ lệ tán thành 94,12%.
HĐND thành phố thống nhất đưa Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của TP.Hà Nội (sử dụng nguồn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) từ năm 2020 và các năm tiếp theo.
Đây là dự án quan trọng quốc gia, do đó Chính phủ sẽ là cơ quan thẩm định và trình để Quốc hội phê duyệt dự án. Tuy nhiên, do Hà Nội là chủ đầu tư, nên HĐND TP phải quyết định danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương, theo Luật Quản lý nợ công.
Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 1,75 tỷ USD (tương đương 40.600 tỷ đồng), trong đó, vay ODA hơn 1,48 tỷ USD (khoảng 34.000 tỷ đồng), vốn đối ứng của ngân sách thành phố là 270 triệu USD (6.300 tỷ đồng).
Về khả năng cân đối vốn, Hà Nội cho biết ADB đã cam kết tài trợ 450 triệu USD. Tại đợt làm việc của ADB về chương trình tài trợ cho Việt Nam giai đoạn 2020 – 2022 từ ngày 20/2- 26/3/2019, ADB khẳng định sẽ đưa dự án vào danh mục vay vốn của ADB, nếu Hà Nội lựa chọn đầu tư dự án theo hình thức ODA.
Ngoài ra, các nhà tài trợ khác như Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Chính phủ Pháp, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng bày tỏ quan tâm tiếp tục tài trợ phần vốn ODA còn lại của dự án.
Về nguồn vốn đối ứng khoảng 6.280 tỷ đồng, Hà Nội dự kiến thu ngân sách giai đoạn 2021 – 2025 sẽ đạt trung bình khoảng 353 – 358 nghìn tỷ đồng/năm, đảm bảo bố trí đối ứng cho việc thực hiện dự án từ năm 2021 – 2025.
Sau đó, Hà Nội dự kiến sẽ bắt đầu trả nợ vay triển khai dự án từ năm 2026 (sau khi hoàn thành xây dựng và hết thời gian ân hạn từ 5 – 10 năm), việc trả nợ thực hiện theo chu kỳ bán niên (6 tháng một lần) trong vòng từ 20 – 30 năm, tùy thuộc vào điều kiện vay của từng nhà tài trợ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận