Xã hội

Hà Nội, TP.HCM cần được “cởi trói” để chống ùn tắc

21/06/2017, 06:05

Hà Nội, TP.HCM cần được “cởi trói” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng để phát triển và chống ùn tắc.

32

Dân các tỉnh đổ về TP Hồ Chí Minh sinh hoạt, làm việc quá đông (Trong ảnh: Cảnh xếp hàng mua vé về quê tại bến xe Miền Đông mỗi dịp lễ, Tết) - Ảnh: Lã Anh

TP.HCM chỉ cần “dọn” đã hết nguồn lực

Vì cuộc sống mưu sinh, không còn cách nào khác, người dân cứ phải lao vào vùng ùn tắc. Lẽ ra, trong quy hoạch vùng và mối liên kết các địa phương, Chính phủ phải có giải pháp giao thông liên tỉnh, kéo dãn những khu công nghiệp phân bổ đều cho các địa phương cách Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ 100km trở lên. Giữa các cụm khu công nghiệp luôn có khoảng “thở” của giao thông. Đồng thời, đầu tư các dịch vụ xã hội, đảm bảo cho người dân khắp nơi có việc làm, điều kiện sinh hoạt ổn định, họ sẽ không đến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường xuyên như hiện nay.

TP Hồ Chí Minh đã đặc kín dân số di cư tới, gánh thêm khoảng 500.000 dân số Bình Dương sát gần bên, chỉ thời gian ngắn, dân số tỉnh Bình Dương tăng gấp 5 lần, lấp kín khoảng không gian Dĩ An, Sóng Thần, Thuận An. Không gian để giao thông thở bị bít kín lại. Bây giờ đi từ cầu Bình Triệu đến Thủ Dầu Một (Bình Dương), không thể phân biệt đâu là ranh giới tự nhiên nữa.

Hà Nội nên bổ sung vào Luật Thủ đô quy định về mật độ người/km2. Kéo dân ở trung tâm ra xa, đồng thời kéo các dịch vụ ra xa và phân bố đều khắp thành phố sẽ làm phân tán lượng người đổ vào trung tâm mua sắm, buôn bán.

Ngược đời hơn, hầu hết các nhà ga xe lửa, bến xe, sân bay, bến cảng lại nằm ngay trong thành phố. Từ đó, một lượng lớn người và hàng hóa lưu thông ngay trên các tuyến đường trung tâm gây xung đột nghiêm trọng. Các bến xe Miền Tây và Miền Đông hiện nay nằm ngay trung tâm thành phố do áp lực mở rộng đô thị. Từ đó một lượng không nhỏ khách mắc kẹt trong hành trình đến và đi khỏi những bến xe này.

Gần đây, TP Hồ Chí Minh đã khởi công xây dựng bến xe Miền Đông mới tại quận 9. Với tốc độ đô thị hóa và sự phát triển tập trung của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, khoảng 20 năm nữa, bến xe mới lại bế tắc như bến xe cũ hiện nay. Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất nằm trọn trong lòng thành phố, lưu lượng người đi đến sân bay ngày càng tăng với tốc độ nhanh. Sân bay đã kẹt cứng ở cổng, sân và các ngả đường đến sân bay.

Giờ muốn giảm tải giao thông cho TP Hồ Chí Minh vô cùng khó. Bởi thành phố chỉ cần “dọn” thôi cũng hết thời gian và nguồn lực rồi. Việc này Chính phủ phải ra tay, đồng thời định hướng, quy hoạch các khu công nghiệp, bến cảng, nhà ga với cái nhìn toàn diện hơn. Tương lai thành phố sẽ phải là thành phố thông minh, định hướng gom nhà ống, nhà phân lô thành một tòa nhà thông minh, không gian các phần nền trả về cho cây xanh, công viên và các nhà chờ xe buýt, nhà ga tàu điện ngầm, bãi đỗ xe. Chỉ có gom dân vào một khu vực tập trung, có giải pháp cho xe buýt BRT hoạt động mới hiệu quả.

Như vậy, TP Hồ Chí Minh hiện nay và tương lai trung hạn vẫn phải sống chung với ùn tắc. Những biện pháp mạnh tay và chưa được người dân chuẩn bị kỹ sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, thậm chí làm giảm sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố thì càng đáng ngại hơn. Bài toán về dân số của thành phố và với toàn bộ vùng miền được đặt ra. Sau này sự phát triển của thành phố là sự phát triển cả một khu vực. Áp lực dân số là áp lực của sự phát triển. Nếu không có dân số cơ học thì thành phố không phát triển. Lỗi không do dân di cư mà do quy hoạch các khu công nghiệp chưa hợp lý và nơi ở cho những người nhập cư không được bảo đảm nên kéo theo sự lộn xộn trong giao thông là không tránh khỏi.

Hà Nội cần có quy hoạch “lãng mạn” hơn

Câu chuyện giao thông ở Hà Nội cũng tương tự, cả miền Bắc đổ xô về Hà Nội ngụ cư. Nhiều người ở quê mua xe cũng muốn xe biển số Hà Nội, nhiều người đi nơi khác sinh sống vẫn giữ hộ khẩu Hà Nội. Hơn hết, Hà Nội là trung tâm văn hóa, kinh tế của cả miền Bắc nên người dân không bị hút vào đó thì biết đi đâu để kiếm tiền. Vì vậy, một lượng lớn phương tiện giao thông được tập trung dồn cục về Hà Nội là điều “tất, lẽ, dĩ, ngẫu...”.

Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn...

Cũng giống như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội không quy hoạch theo tầm nhìn xa hơn. Hà Nội từng thuê chuyên gia nước ngoài, quy hoạch đô thị hai bờ sông Hồng, có người còn muốn quy hoạch Hà Nội kéo dài tới tận cửa biển Ba Lạt. Điều đó là giải pháp không tồi cho giao thông. Mở những vùng đô thị mới là quy hoạch giao thông sẽ khoa học hơn. Phần không gian giao thông được thông thoáng hơn. Thành phố chạy dọc theo sông, cũng làm cho lưu lượng người tham gia giao thông phân tán hơn.

Người Hà Nội thích sống theo kiểu “phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà tôi ở đó” nên di dời ra nơi ở mới sẽ khó khăn, phức tạp. Nhưng không vì thế mà không có chính sách giãn dân một cách quy mô lớn. Không gian phố cổ là dịu dàng, tĩnh lặng. Giữ phố cổ không giữ cái ồn ào, pha tạp của hiện tại. Không gian phố cổ và sự phát triển của Thủ đô là hoàn toàn khác nhau. Ngày xưa, có thể lượng người trong phố cổ chỉ bằng một phần bây giờ, sự sầm uất cũng có nhưng tần suất và lưu lượng phương tiện giao thông còn ít. Như vậy, phố cổ chỉ hợp với kiểu sống của cư dân ngày xưa. Bây giờ, công năng của phố cổ không còn phù hợp với đời sống hiện đại, đặc biệt là giao thông.

Nên quy hoạch Hà Nội theo hướng xác định ngay các quận có phố cổ, lập thành một khu đặc biệt và cách biệt với đô thị văn minh, hiện đại nằm cạnh bên. Có nghĩa là, khi quy hoạch, thành phố nên đào một con sông ở giữa. Phần phố cổ sẽ có một không gian riêng biệt. Quản lý xây dựng cũng dễ, quản lý phương tiện giao thông cũng dễ, thậm chí quản lý mật độ nhân hộ khẩu cũng dễ. Khách du lịch vào khu phố cổ sẽ có những “cửa khẩu” là những cây cầu có kiến trúc phù hợp với phố cổ hay niên đại hình thành lên phố cổ và được đón tiếp bằng những phương tiện đặc thù. Chẳng hạn như xe điện, xe xích lô, xe kéo… sẽ làm tốt việc đó trong phố cổ, tạo điểm nhấn cho nét văn hóa xưa và nay của Hà Nội.

Phần bên kia là thành phố hiện đại hoàn toàn. Ở đây hệ thống đường và khu dân cư thiết kế được kết nối với nhau khoa học và thuận lợi cho các dịch vụ giao thông công cộng. Thành phố sẽ mở nhiều tuyến buýt nhanh, sạch và văn minh. Hệ thống đường sắt trên cao và tàu điện ngầm được kéo dọc theo hướng Đông Nam (Thường Tín, Hà Đông) và hướng Tây Bắc (bên Long Biên, Gia Lâm…) với nhiều vị trí nhà ga kết nối với các trung tâm của khu đô thị hiện đại. Các bến xe nội ô được chuyển sang: Long Biên, Đông Anh, Thanh Trì. Bến xe Giáp Bát, Yên Nghĩa, Mỹ Đình… trở thành công viên cây xanh, nhà ga xe buýt, bãi giữ xe và các dịch vụ công khác. Chuyển hẳn ga xe lửa vận chuyển hàng hóa Giáp Bát xuống gần Phủ Lý. Ga Hà Nội chuyển hẳn ra Thanh Trì. Bởi vì, về lâu dài tuyến đường sắt khổ nhỏ hiện nay sẽ bị gỡ bỏ, thay vào đó là tuyến đường sắt cao tốc (từ 200-600km/h) sẽ hình thành, hệ thống nhà ga mới sẽ kết nối với khu dân cư, tàu điện ngầm và đường sắt trên cao. 

banner-115216 (1)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.