Kinh tế

Hà Nội, TP.HCM - nhà giàu đội sổ xếp hạng hành chính công

03/04/2019, 06:21

Chỉ số PAPI có tác dụng là một tấm gương soi rất nhiều chiều của hoạt động quản trị và hành chính công ở cấp tỉnh.

img
Làm thủ tục xin cấp đăng ký chứng nhận kinh doanh tại quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Trung Kiên

Giám đốc dự án PAPI Đặng Hoàng Giang nêu quan điểm và lý giải cho việc chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 10 năm qua vẫn không nhiều cải thiện.

Không phải tỉnh giàu tham nhũng ít đi

Đây là năm thứ 10 báo cáo PAPI được thực hiện tại Việt Nam với việc khảo sát hơn 14.000 người ở 63 tỉnh, thành để đánh giá về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong năm vừa qua. Báo cáo PAPI năm 2018 cho thấy, địa phương có điểm cao nhất là 47,05 điểm - có khoảng cách rất xa so với mức điểm tối đa (80 điểm).

So với những năm trước, PAPI 2018 thêm 2 hai chỉ số nội dung mới gồm quản trị môi trường và quản trị điện tử (cùng với 6 chỉ số: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công).

Theo đó, báo cáo PAPI 2018 cho thấy, những tỉnh Trung bộ như: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Đà Nẵng… được đánh giá tốt. Trong khi đó, hai đầu cầu của cả nước là TP.HCM và Hà Nội lại bị đánh giá yếu kém.

Lý giải về sự thụt lùi trong bảng xếp hạng PAPI của Hà Nội và TP.HCM, TS. Đặng Hoàng Giang, Giám đốc Dự án PAPI cho hay: “Có thể hiểu đơn giản là anh giàu có hơn không có nghĩa là anh tham nhũng ít hơn, đưa thông tin tới tay người dân nhiều hơn. Trong 10 năm qua, sự cải thiện của Hà Nội và TP HCM vẫn cứ lình xình trong nửa sau của danh sách, thậm chí nằm ở 1/4 cuối cùng của danh sách”.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra mỗi tỉnh, thành phố có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Không có tỉnh, thành phố nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số nội dung. Chẳng hạn, Lạng Sơn thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở 6 chỉ số song tỉnh này vẫn thuộc về nhóm đạt điểm trung bình thấp ở nội dung “trách nhiệm giải trình với người dân”.

Xu hướng tập trung theo miền khá rõ nét ở một số chỉ số. Cụ thể, các tỉnh, thành phố phía Bắc có xu hướng đạt điểm cao hơn ở các chỉ số nội dung “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “công khai, minh bạch”, “quản trị điện tử” và “trách nhiệm giải trình với người dân” khi so với các tỉnh phía Nam. Ngược lại, các tỉnh, thành phố phía Nam đạt điểm cao hơn ở chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “quản trị môi trường”…

Nhận định về kết quả nghiên cứu, TS. Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Chỉ số PAPI có tác dụng là một tấm gương soi rất nhiều chiều của hoạt động quản trị và hành chính công ở cấp tỉnh. Đây cũng là một trong những công cụ để lãnh đạo cấp tỉnh và ban ngành địa phương tham khảo, nắm bắt được những vấn đề người dân chưa hài lòng, nhằm hoàn thiện dịch vụ hành chính công”.

Phải hỗ trợ người dân tố cáo nhiều hơn

5 tỉnh, thành đứng đầu về điểm chỉ số PAPI 2018:
1. Bến Tre: 47,05 điểm.
2. Lạng Sơn: 47,05 điểm.
3. Bắc Giang: 46,83 điểm.
4. Nghệ An: 46,57 điểm.
5. Quảng Bình: 46,27 điểm.

5 tỉnh, thành có điểm chỉ số PAPI
2018 thấp nhất:

1. Bình Định: 41,04 điểm.
2. Quảng Ngãi: 41,33 điểm.
3. Bình Thuận: 41,06 điểm.
4. Hậu Giang: 42,06 điểm.
5. Khánh Hòa 42,17 điểm.


TS. Đặng Hoàng Giang nhận xét: Năm 2018 ghi nhận hai lĩnh vực được cải thiện gồm thủ tục hành chính và dịch vụ công. Cả hai đều đã ít rườm rà hơn, ít nhũng nhiễu hơn và thông tin đầy đủ hơn. Còn lại những lĩnh vực khác vẫn không có bước tiến nào đáng kể. “Gọi là tốt nhất nhưng so với thực tế chỉ đạt khoảng 7/ 10 điểm thôi. Thực ra là trung bình khá chứ không thể gọi là giỏi được nên còn nhiều không gian để tiến bộ hơn. Ví dụ như vấn đề phong bì “lót tay” khi tới bệnh viện tuyến huyện còn nổi cộm. Với lĩnh vực đất đai, chỉ khoảng 20% người dân được biết về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất ở địa phương. Rõ ràng ở đây có sự không minh bạch về thông tin, hệ quả đã và đang mở cửa nhiều cho tham nhũng hoặc là nhóm lợi ích”, ông Giang phân tích.

Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông, nguyên nhân khiến khuyến cáo của PAPI không dẫn tới đội ngũ lãnh đạo cải thiện nhiều, ông Giang cho rằng, vì không cải thiện họ cũng không bị sao cả, không bị hệ lụy gì thì họ vẫn cứ tiếp tục như thế. Còn nếu làm chủ doanh nghiệp mà bị khách hàng kêu ca quá nhiều thì phải có người thay ông giám đốc. Và khi đó, lãnh đạo mới có động cơ tiến bộ.

“Quan chức không tiến bộ cũng không sao, cả lợi ích lẫn chức vị cũng như còn đường thăng tiến. Nếu bây giờ người dân thấy các quan chức địa phương không thay đổi có thể phế truất chức vụ của họ thì lúc đó họ sẽ cải thiện”, ông Giang nói.

Cùng với việc điều tra, công bố các chỉ số như PAPI, hay mới đây là PCI, ông Giang cho rằng, Nhà nước phải hỗ trợ để người dân đứng lên tố cáo nhiều hơn. Mặt khác, nếu phát hiện quan chức, cán bộ vi phạm thì kỷ luật, đuổi việc. Lúc ấy sẽ không có ai dám nhận phong bì.

Qua đây, Giám đốc Dự án PAPI nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu bộ máy chính quyền ở mỗi địa phương. “Phải có người đứng đầu nghiêm thì mới thực thi được. Người đứng đầu không nghiêm thì thực thi pháp luật sẽ không nghiêm”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.