Dùng bao tải cát ngăn nước tràn vào nhà
Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trong hai ngày 23/7 - 24/7, trên địa bàn thành phố xảy ra mưa trên diện rộng. Tổng lượng mưa đo được dao động từ 138mm đến 295,8mm.
Sau khi mưa cả ngày 23, đến trưa 24/7, hầm chui dân sinh trên Đại lộ Thăng Long vẫn trong tình trạng ngập sâu, phương tiện không lưu thông được (ảnh chụp lúc 11h ngày 24/7).
Lượng mưa lớn diễn ra trên diện rộng trong thời gian dài khiến mực nước tại các sông, hồ dâng cao, phát sinh hàng loạt các điểm ngập úng tại quận Long Biên, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hà Đông.
Đáng chú, trên tuyến Đại lộ Thăng Long, các hầm chui bị ngập nặng từ đường vào nhà dân, nhấn chìm nhiều xe máy, giao thông đi lại khó khăn.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại nhiều khu đô thị mới ở phía Tây, nhiều người dân phải dùng bao cát, căng bạt che chắn làm đập ngăn nước không tràn vào nhà. Tuy nhiên, việc này không mang lại hiệu quả, nước vẫn dâng cao, tràn vào nhà làm hư hỏng nhiều đồ đạc.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, khu vực nút giao Thiên đường Bảo Sơn với Ðại lộ Thăng Long những ngày qua ngập sâu tới hơn nửa mét. Các khu đô thị Văn Quán, Văn Phú, Dương Nội cũng tương tự.
Ở khu vực trung tâm, dù có ngập nhưng chỉ ngớt mưa là nước rút. Còn tại các khu đô thị nêu trên, nước rút rất chậm, có nơi ngập tới hai, ba ngày.
Chia sẻ với phóng viên, người dân ở các khu đô thị Geleximco khu A, khu B và hàng loạt nhà liền kề ở khu biệt thự Thiên Đường Bảo Sơn, khu đô thị Văn Quán đều bày tỏ băn khoăn, các khu vực này đều đã được xây dựng từ lâu, song hệ thống thoát nước vẫn không đồng bộ. Năm nào cũng bị ngập dù lượng mưa không quá lớn nhưng chưa được chính quyền quan tâm xử lý triệt để.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, nguyên nhân ngập do các khu vực trên đều là các điểm trũng, cao độ nền thấp hơn xung quanh. Khi mưa lớn, nước chảy theo mặt đường dồn về nhanh gây ra úng ngập cục bộ.
Cùng đó, do hệ thống thoát nước vận hành theo nguyên lý tự chảy nhưng các trạm bơm đầu mối hiện nay chưa được xây dựng đồng bộ với quy hoạch nên việc tiêu thoát nước không đáp ứng được.
Cần sớm vận hành đồng bộ các trạm bơm
Theo Phòng Quy hoạch hạ tầng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hà Nội, tình trạng ngập tại các khu đô thị mới những ngày qua là do việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật bị phân tán, dàn trải.
Việc thoát nước tại các khu đô thị vẫn theo nguyên tắc tự chảy theo độ dốc địa hình ra khu vực xung quanh, vốn chưa được đầu tư hệ thống thoát nước.
Hệ thống thoát nước khu vực phía Tây thành phố cơ bản dựa vào hệ thống kênh tiêu nông nghiệp, chảy ra sông Nhuệ, sông Ðáy. Trong khi đó, hai bên đường Lê Trọng Tấn trước kia là đất ruộng. Từ ngày có khu dân cư ở hai bên đường, tuyến đường này không những bị ngập vì nước mà khu dân cư hai bên cũng chịu cảnh tương tự.
Hay khu vực các xã Vân Canh, An Khánh, An Thượng, Ðông La, La Phù (huyện Hoài Ðức), phường Tây Mỗ, Ðại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) và Dương Nội, Yên Nghĩa (quận Hà Ðông), trước đây các kênh tiêu nhỏ chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ ngày có Ðại lộ Thăng Long, đường Lê Trọng Tấn và đường Tố Hữu, cộng với hàng chục khu đô thị lớn được xây dựng nên hệ thống này không thể đáp ứng được.
Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, để khắc phục tình trạng trên, trước mắt đơn vị sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất quy trình khống chế mực nước sông Nhuệ, tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thoát nước.
Dù vậy, theo ông Sơn, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu về dài, Hà Nội cần đầu tư xây dựng các công trình tiêu thoát nước theo quy hoạch như các trạm bơm Nam Thăng Long, Ba Xã và hệ thống các hồ điều hòa như Cổ Nhuế 1, 2, Phú Đô… để giảm thiểu tình trạng ngập úng cho khu vực này.
Đề xuất làm trạm bơm dã chiến xử lý ngập ở Đại lộ Thăng Long
Với khu vực Đại lộ Thăng Long, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, khi trạm bơm Yên Nghĩa chưa thể vận hành đủ công suất, đơn vị đề xuất xây dựng các trạm bơm dã chiến như trạm bơm Đìa Sáo cuối kênh T2-4-2; trạm bơm Đồng Tép nhằm giảm mức độ và thời gian ngập.
Đồng thời các đơn vị chức năng cần đầu tư xây dựng các công trình tiêu thoát nước theo quy hoạch như trạm bơm Liên Mạc, Liên Trung, Yên Thái, Đào Nguyên, Cao Viên… cùng với 531ha hồ điều hòa và cụm công trình đầu mối kèm theo. Xây dựng hệ thống thoát nước dọc tuyến Đại lộ Thăng Long theo quy hoạch để dẫn nước thoát ra sông Đáy qua trạm bơm Đào Nguyên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận