NVSCC ngay sát hồ Thiền Quang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) không chỉ bẩn mà các hộ kinh doanh còn tận dụng mở quán bán nước |
Nhà vệ sinh vừa bẩn, vừa thiếu…
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên hầu hết các tuyến phố nội thành Hà Nội hiện nay dù tấp nập người lưu thông nhưng tìm đỏ mắt cũng không thấy nhà vệ sinh công cộng (NVSCC).
Chị Bùi Thị Thu Hương (Văn Quán, Hà Đông) bộc bạch, chị có việc đi từ Hà Đông tới Tôn Đức Thắng, trên đường đi rất muốn tìm nhà vệ sinh nhưng càng đi càng không thấy. Cuối cùng, chị đành phải vào quán cà phê bên đường xin đi nhờ.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Năm (Khâm Thiên, Đống Đa) chia sẻ, một số khu vực có NVSCC nhưng chủ yếu tập trung ở các công viên, khu vui chơi, còn trên nhiều tuyến đường đi đến 5 -7 km vẫn không có nổi một cái. “Rất mong thời gian tới, TP Hà Nội quan tâm xây dựng và quy hoạch nhà vệ sinh cho đồng bộ. Chứ không thể để chỗ thì thừa, chỗ lại thiếu”, anh Năm nói.
Không chỉ thiếu, nhiều nhà vệ sinh ở Thủ đô còn rất bẩn. Ghi nhận tại khu vực chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy), dù hàng chục nghìn lượt người qua lại mua sắm, nhưng cả khu chợ chỉ có duy nhất một NVSCC nhưng lại trong tình trạng bốc mùi hôi hám, vòi nước bị hỏng...
Theo UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn có khoảng 440 NVSCC. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong 4 quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, đã chiếm hơn 2/3 khi có tới 310 cái. Điều này đồng nghĩa với việc 6 quận và một thị xã còn lại chỉ có 130 NVSCC, tức mỗi quận chỉ có khoảng 20 NVSCC, trong khi có hàng trăm tuyến đường và khu vực đông dân cư và người dân lưu thông.
1.000 nvscc được đầu tư thế nào?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay, hệ thống NVSCC cũng như thiết bị cung cấp nước uống, ghế ngồi tại các nơi công cộng trên địa bàn thành phố còn rất thiếu và không đồng bộ. Do đó, UBND TP đồng ý về chủ trương để Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing đầu tư 1.000 NVSCC, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước tự động uống trực tiếp và 200 ghế đặt tại các nơi công cộng trên địa bàn TP. “Đổi lại doanh nghiệp này được khai thác quảng cáo trong phạm vi cho phép, theo đúng các quy định của pháp luật trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn thành phố trong thời gian 10 năm để thu hồi vốn”, ông Dục nói.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện toàn thành phố có khoảng 440 NVSCC được phân bố trên khu vực 10 quận nội thành và TX Sơn Tây. Tuy nhiên, trong số này có tới 263 NVSCC cố định phân bố chủ yếu ở các ngõ, phục vụ người dân trong các khu dân cư, khu tập thể. Chỉ có hơn 100 NVSCC được lắp ghép bằng thép bố trí tại các địa điểm công cộng như: Điểm chờ xe buýt, công viên, vườn hoa, các khu vui chơi, giải trí công cộng khác... |
Theo UBND TP Hà Nội, đề xuất của doanh nghiệp phù hợp với chủ trương của TP về việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư, huy động mọi nguồn lực của xã hội phục vụ cho phát triển và các hoạt động của thành phố. Thực tế hiện nay, hệ thống NVSCC cũng như thiết bị cung cấp nước uống, ghế ngồi tại các nơi công cộng trên địa bàn còn rất thiếu.
“Hiện tại, chúng tôi đang cùng với nhà đầu tư khảo sát địa điểm đặt NVSCC để thiết kế, phê duyệt đối với từng địa điểm cụ thể, đảm bảo công năng sử dụng, theo đúng quy trình, quy định mà UBND TP giao”, ông Dục nói và cho biết: 1.000 NVSCC được đầu tư xây dựng lần này phải đồng bộ về trang thiết bị, đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan của từng địa điểm, sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường; thiết kế thoáng gió, sử dụng vòi nước tự động. Cùng đó, nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm thực hiện công tác duy tu, duy trì, vận hành trong suốt quá trình hoạt động của các NVSCC này. Về thời gian và mức đầu tư, UBND thành phố đang cùng nhà đầu tư tính toán để có con số phù hợp nhất.
Đối với cây lọc nước tự động sử dụng bằng chất liệu inox mờ, UBND TP cũng đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu đặt mẫu riêng, mang tính đặc thù của TP Hà Nội. Thiết bị lõi của cây lọc nước sẽ do thành phố tự đảm nhiệm. Ghế sử dụng chất liệu inox mờ, đảm bảo sử dụng lâu bền, thiết kế phù hợp, mang bản sắc riêng, độc đáo của Hà Nội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận