Đô thị

Hà Nội: Xe buýt điện hút khách, sẽ mở thêm 9 tuyến

Sau gần nửa tháng vận hành, tuyến xe buýt điện đầu tiên của Hà Nội và cả nước đang dần thu hút hành khách. Sắp tới sẽ có thêm 9 tuyến được mở.

Xe hiện đại, giá vé hợp lý

Những ngày giữa tháng 12/2021, có mặt tại nhà chờ tuyến xe buýt điện (đường nội khu Smart City), PV Báo Giao thông ghi nhận rất đông hành khách đang đứng chờ.

Chưa đầy một phút, 2 tuyến buýt điện E03 (BX Mỹ Đình - KĐT Ocean Park), E05 (Long Biên - khu đô thị Smart City) di chuyển lên nhà chờ đón khách.

Ngay khi lên xe, hành khách được yêu cầu khai báo y tế, thực hiện sát khuẩn và ngồi giãn cách theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.

img

Xe buýt điện với những ưu điểm vượt trội so với buýt truyền thống đang dần thu hút hành khách

Khác với hình ảnh nhân viên phụ xe cầm sẵn một xấp vé để bán cho hành khách, việc bán vé được thực hiện trên một thiết bị điện tử, vé sẽ được in trực tiếp ghi rõ giá vé, thời gian xuất vé…

Một điểm mới của xe buýt điện là bên cạnh việc sử dụng vé tháng, tiền mặt để trả tiền vé thì hành khách có thể sử dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ NAPAS do các ngân hàng Việt Nam phát hành.

Là một trong những hành khách bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng buýt điện đi làm, anh Lê Quý Dũng (KĐT Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã trải nghiệm tuyến xe buýt điện ngay trong ngày đầu đưa vào hoạt động. Quá trình sử dụng tôi thấy hài lòng, thuận tiện nên đã chuyển sang thay thế phương tiện cá nhân”.

Anh Dũng chia sẻ, hành khách lên xe được phụ xe chào hỏi, hướng dẫn vào vị trí ngồi. Lái xe cũng rất cẩn thận mỗi khi xe ra - vào các bến, sau khi hành khách ổn định vị trí hoặc xuống bến thì xe mới bắt đầu di chuyển nên không còn cảnh phải vội vàng, xô đẩy.

“Với cách ứng xử như thế, hành khách khó tính đến đâu cũng đều hài lòng”, anh Dũng nói.

Là hành khách lần đầu đi thử tuyến buýt điện, bà Hoàng Thị Lan (KĐT Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội) tỏ ra rất hài lòng với những trải nghiệm mà loại hình này đem lại.

Bà Lan cho biết: “Trước đây tôi rất sợ đi xe buýt vì cảnh người người chen chúc nhau, nhiều tài xế lái xe rất ẩu, hành khách siêu vẹo mỗi khi phanh gấp thế nhưng những điều này đã không còn khi ngồi trên xe buýt điện. Giá vé của xe này cũng rất rẻ, chỉ 9.000 đồng/vé là khách có thể đi hết cả chặng đường dài hơn 30km. Cùng đó, việc xe có gắn thêm nhiều camera an ninh khiến hành khách cũng yên tâm phần nào, hạn chế được tình trạng trộm cắp, móc túi trên xe”.

Em Chu Khánh Linh (sinh viên năm nhất, trường Đại học Rmit Việt Nam) cho biết, đã từng di chuyển bằng xe buýt truyền thống nên sau khi trải nghiệm tuyến buýt điện này đã nhận thấy được sự khác biệt rõ ràng.

“Không còn tình trạng phóng nhanh phanh gấp khiến hành khách trên xe phải nghiêng ngả, tài xế chờ khách ổn định chỗ ngồi hoặc xuống xe xong mới bắt đầu di chuyển. Nhân viên trên xe cũng rất thân thiện, lịch sự”.

Quá trình xe buýt điện di chuyển đón khách, PV ghi nhận tại khu vực điểm dừng, thanh tra tuyến lên kiểm soát trên xe E05 về công tác phòng dịch Covid-19 và hoạt động phục vụ hành khách trên xe.

Một thanh tra cho biết, việc này nhằm quản lý chặt chẽ, mang lại sự hài lòng cho hành khách. Việc kiểm tra không được thông báo trước, thanh tra cũng không đứng cố định ở một khu vực nhà chờ nào.

Lên kế hoạch thay thế buýt truyền thống

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội (Tramoc) cho biết, kết quả hoạt động của tuyến buýt điện đầu tiên ở Thủ đô khá ấn tượng.

Thống kê từ ngày 2/12 - 14/12 tuyến E03 đã có 10.600 hành khách sử dụng vé lượt, chưa kể hành khách vé tháng liên tuyến và ưu tiên.

“Sản lượng vé lượt như vậy là cao nhất toàn mạng lưới trong điều kiện dịch bệnh, giới hạn 20 người/xe tại một thời điểm”, ông Phương nói.

Để người dân được đi xe buýt điện với giá thành rẻ, theo ông Phương, thành phố phải chi 4,4 tỷ đồng cho 3 tuyến buýt điện chỉ tính riêng trong tháng 12/2021.

Đánh giá về ưu điểm của xe buýt điện, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Tramoc khẳng định, xe buýt điện sử dụng nhiên liệu sạch có thể nói tỷ lệ phát thải ra môi trường bằng 0 và ô nhiễm tiếng ồn cũng rất thấp.

Hàng loạt công nghệ mới lần đầu được đưa vào phục vụ xe buýt điện như internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo để kiểm soát vận hành online, kiểm soát được hành vi của lái xe, lộ trình và giúp quản lý được tất cả mọi hoạt động trên tuyến trong ngày.

Theo ông Hải, từ nay đến năm 2022, Hà Nội sẽ mở 9 tuyến xe buýt điện với 139 phương tiện (tháng 12/2021 sẽ có 3 tuyến, 6 tuyến còn lại sẽ mở năm 2022).

“Mục tiêu Hà Nội trong kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch lên từ 5 - 20%. Hiện TP có gần 70 phương tiện nhiên liệu sạch, đáp ứng được khoảng 6%. Sang năm, với việc thêm 6 tuyến buýt điện cùng với 12 xe sử dụng CNG sẽ nâng số lượng xe buýt sạch lên 140 xe, đạt tỷ lệ trên 16%”, ông Hải nói.

Khẳng định Hà Nội trong tương lai sẽ “xóa” buýt truyền thống, ông Hải nói: “Thành phố sẽ từng bước nâng dần số lượng xe buýt điện đang sử dụng hiện nay để thay thế các tuyến buýt truyền thống. Tuy nhiên, các tuyến buýt mở mới sẽ căn cứ theo các tiêu chí như: Trong khu đô thị mới, có nhu cầu đi lại dân cư cao, tiếp cận với hành lang tuyến đường sắt đô thị.

Tuyến xe buýt điện đầu tiên có số hiệu E03 chạy qua các tuyến đường trung tâm, kết nối phía Đông và phía Tây thành phố với 15 điểm dừng bao gồm: Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Nguyễn Hoàng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà - Chùa Bộc -Phạm Ngọc Thạch - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - cầu Vĩnh Tuy - Aeon Mall Long Biên - Cổ Linh - KĐT Ocean Park.

Tuyến buýt điện thứ hai có số hiệu E05 với lộ trình Long Biên - Yên Phụ - Thanh Niên - Thụy Khuê - Đào Tấn - Cầu Giấy - Xuân Thủy - Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long - KĐT Smart City.

Tần suất hoạt động của các tuyến từ 15 - 20 phút/chuyến, hoạt động xuyên suốt từ 5h sáng đến 21h đêm hàng ngày.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.