Đô thị

Hà Nội: Xe đạp công cộng ngày càng hút khách

08/09/2023, 10:00

Sau nửa tháng thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội, đã có hơn 40.000 tài khoản mở mới, gần 30.000 chuyến được vận hành với 197.600km, tổng số giờ thuê là 29.033 giờ.

Thêm phương thức di chuyển

Hà Nội: Xe đạp công cộng ngày càng hút khách - Ảnh 1.

Sau nửa tháng thí điểm tại Hà Nội, dịch vụ xe đạp công cộng đã nhận được sự quan tâm của nhiều người dân. Ảnh: Tạ Hải.

Ghi nhận của PV ngày 7/9, từ sáng sớm, trên nhiều tuyến đường như: Nguyễn Trãi, khu vực Ngã tư Sở, hồ Hoàn Kiếm, phố Quang Trung… hình ảnh những chiếc xe đạp công cộng thấp thoáng hoà lẫn vào dòng phương tiện di chuyển trên đường.

Tại điểm trạm vườn hoa Nhà hát Lớn (Hoàn Kiếm), nhiều người đủ các độ tuổi đang sử dụng điện thoại để thao tác thuê xe. 

Em Đỗ Danh Thảo (sinh năm 2002) cho hay: "Trước đây, từ điểm dừng xe buýt phải đi bộ gần 1km mới tới chỗ làm việc, nhờ có xe đạp công cộng, em không phải mất nhiều thời gian. Dịch vụ giá rẻ, rất thú vị, thuận lợi, thao tác thuê, trả xe không mất quá 2 phút".

Tương tự, anh Nguyễn Công Chính hiện đang công tác tại một cơ quan nhà nước cho hay: "Tôi cảm thấy xe đạp khá nhẹ, phanh hoạt động tốt, có chỗ gắn điện thoại, giỏ để nước, xe nhỏ gọn nên di chuyển linh hoạt, tránh được ùn tắc. Nhà và cơ quan khá gần trạm nên tôi lựa chọn đi xe đạp thay vì đi xe máy như trước".

Quan sát của PV, các trạm thuê xe đối diện số 38 Phan Đình Phùng (Ba Đình), Vườn hoa Lê Nin (Hoàn Kiếm); số 380, 713 Lạc Long Quân (Tây Hồ); trạm Ga Metro Cát Linh (vỉa hè Hồ Hào Nam, Đống Đa); 55 Giải Phóng (Hai Bà Trưng)… rất đông người dân sử dụng ở nhiều khung giờ hàng ngày.

Bắt đầu ra mắt thí điểm từ ngày 24/8, dịch vụ xe đạp công cộng được Hà Nội triển khai ở 79 điểm trạm với 1.000 phương tiện, trong đó có 500 xe đạp điện. 

Các trạm, bãi đỗ xe sẽ được bố trí gần các khu vực đông người như bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí, chung cư. Giá thuê xe đạp trợ lực điện là 10.000 đồng cho 30 phút sử dụng, còn đối với xe đạp cơ là 5.000 đồng.

Theo đại diện Tập đoàn Trí Nam (đơn vị vận hành dịch vụ), khách muốn trải nghiệm dịch vụ sẽ phải tải app (phần mềm), sau đó đăng ký các thông tin liên quan như số điện thoại, tên...

Tiếp đó, phải nạp tiền thông qua ví Momo hoặc Zalopay (tối thiểu 10.000 đồng), quét mã vạch của chiếc xe mình muốn lựa chọn để đi và khoá bánh sau sẽ tự động mở. Các trạm cho thuê không cần nhân viên phục vụ.

Trong khoảng nửa tháng thí điểm dịch vụ, đã có hơn 40.000 tài khoản mở mới, gần 30.000 chuyến xe đạp công cộng được vận hành với 197.600km, tổng số giờ thuê là 29.033 giờ.

"Những ngày đầu khai trương người dân thường thuê xe đạp để dạo phố, ngắm cảnh trải nghiệm. Gần đây, lượng người thuê đi làm cũng khá nhiều vì phù hợp với các tuyến đường trung tâm. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục có những cải tiến trong quá trình vận hành để người dân cảm thấy tiện lợi hơn", đại diện Tập đoàn Trí Nam cho hay.

Kỳ vọng tăng kết nối giao thông

Ủng hộ dịch vụ xe đạp công cộng, chuyên gia giao thông, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, dịch vụ đã tạo cho người dân Thủ đô thêm lựa chọn đi lại, nhất là trong bối cảnh các dự án tuyến đường sắt đô thị chưa kịp hoàn thành.

"Người dân có thể sử dụng xe buýt kết nối xe đạp công cộng để di chuyển nhanh tới nơi làm việc, học tập hay hoạt động thể dục thể thao.

Tuy nhiên, dịch vụ này nên được trợ giá thêm nhiều hơn cho người thuê cả ngày để thu hút người dân sử dụng. 

Như hiện nay, nếu thuê cả ngày với mức 50.000 đồng, cả tháng sẽ từ 1 - 1,5 triệu đồng. Các điểm thuê cần có thêm mái che cho xe thay vì để "lộ thiên" như bây giờ", bà Thủy góp ý.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, xe đạp công cộng phù hợp với xu thế phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

"Việc phát triển loại hình xe đạp công cộng góp phần đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân", ông Quyền đánh giá.

Ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, dịch vụ xe đạp công cộng có mặt trên địa bàn Thủ đô nhằm mục tiêu kết nối giữa nhà ga xe buýt, đường sắt đô thị, các khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại, khu liên cơ quan và phục vụ đi lại, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn thành phố.

"Việc mở loại hình này ra với mong muốn người dân thuận tiện hơn khi tham gia loại hình vận tải hành khách công cộng, dần bỏ xe cá nhân, tăng kết nối giao thông", ông Long nói.

Trước khi khai trương ở Hà Nội, Tập đoàn Trí Nam cũng triển khai dịch vụ ở 5 tỉnh, thành phố gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Hải Phòng. Tuy nhiên, Hà Nội lại là thành phố đầu tiên có loại phương tiện xe đạp điện, được đưa vào hoạt động cùng với xe đạp cơ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.