Tại phiên họp, UBND thành phố đã xem xét thông qua các tờ trình của UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét quyết định các nhiệm vụ: Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Bắc Thường Tín (huyện Thường Tín);
Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng, tỉ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Phụng Hiệp (huyện Thường Tín); Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng, tỉ lệ 1/2000 Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn).
UBND thành phố cũng xem xét, thông qua Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội". Xem xét Tờ trình của Sở Xây dựng về việc ban hành quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật duy trì công viên, cây xanh và chăm sóc, nuôi dưỡng động vật trưng bày trên địa bàn TP Hà Nội.
Phiên họp xem xét thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố về việc quy định thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội. Xem xét, cho ý kiến báo cáo của Sở Tài chính về kết quả rà soát, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, giá sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã trình UBND TP chấp thuận chủ trương triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) giai đoạn 1 trên địa bàn TP Hà Nội, thời gian thực hiện từ năm 2025 - 2027.
Theo tờ trình, hệ thống giao thông thông minh (ITS) sẽ được triển khai theo phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chi phí ước tính khoảng 392 tỷ đồng cho giai đoạn 1 (từ năm 2025 - 2027), nguồn từ ngân sách thành phố.
Cụ thể trong giai đoạn này, triển khai đề án thành lập Trung tâm quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội (nền tảng là Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng hiện nay) nhằm hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, triển khai thực hiện khai thác 9 chức năng ban đầu của hệ thống ITS, gồm: hệ thống điều hành trung tâm;
Hệ thống camera giám sát và camera cầu vượt; hệ thống camera dò xe; hệ thống biển báo thông tin thay đổi; hệ thống kiểm tra trọng tải xe; hệ thống thu phí; hệ thống truyền dẫn kỹ thuật số; hệ thống điện thoại nội bộ; hệ thống cấp nguồn.
Triển khai đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng trung tâm (số 1 Kim Mã) gồm một số hạng mục như: sửa chữa trụ sở; lắp đặt hệ thống máy chủ, hệ thống màn hình; hệ thống phần mềm lõi dùng chung; hệ thống phần mềm gắn với khai thác 9 chức năng nêu trên…
Ngoài ra, lắp đặt hệ thống các thiết bị ngoại vi, gồm hệ thống camera (giám sát tốc độ; đo đếm lưu lượng; xử phạt giao thông); hệ thống bảng báo điện tử; hệ thống tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông; hạ tầng truyền dẫn. Phạm vi lắp đặt là bên trong Vành đai 3 với 600 camera, 20 biển báo giao thông thông minh, 10 tủ điều khiển đèn tín hiệu thích ứng.
Hệ thống trên sẽ hỗ trợ giám sát, cung cấp thông tin giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.
Theo Sở GTVT Hà Nội, việc tổ chức nghiên cứu triển khai thực hiện giai đoạn 1 đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội" là rất cần thiết nhằm khắc phục kịp thời các tồn tại hạn chế hiện nay, thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận