Sáng nay (4/10), kỳ họp thứ 18 của HĐND TP Hà Nội khóa XVI chính thức khai mạc. Tại kỳ họp, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét các nội dung như: Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên;
Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao của TP Hà Nội năm học 2024-2025;
Xem xét, thông qua Quy định giá dịch vụ giáo dục để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách Nhà nước của thành phố;
Xem xét, thông qua Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và cấp cứu ngoại viện của TP Hà Nội.
Tại kỳ họp, HĐND thành phố cũng xem xét các nội dung: thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024; danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất năm 2024 trên địa bàn TP Hà Nội.
HĐND TP Hà Nội cũng xem xét việc hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông góp phần khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024. Đồng thời, xem xét Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2035...
Đặc biệt, HĐND thành phố cũng xem xét thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội.
Theo đề án, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội là cơ quan hành chính thuộc UBND thành phố Hà Nội. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND thành phố, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng Chính phủ.
Trung tâm có chức năng quản lý Nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Trung tâm sẽ là đầu mối tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, phối hợp giải quyết, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính...
Việc thành lập Trung tâm sẽ giảm số lượng bộ phận "một cửa" (giảm từ 673 bộ phận "một cửa" còn 30 chi nhánh); giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" (giảm từ 2.768 nhân sự còn 184 người), giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng ngân sách nhà nước trong trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận