UBND TP Hà Nội đang nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Theo đó, sẽ định hướng quy hoạch xây dựng thành phố phía Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Trong đó, khu phía dưới là trung tâm tài chính. Phía trên là công nghiệp. Quanh sân bay Nội Bài là dịch vụ logistic. Thành phố thứ hai là Xuân Mai và Hoà Lạc sẽ thông nhau với lõi là công nghệ cao, giáo dục và đào tạo.
Nút giao Long Biên và nút giao vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng giúp giải quyết ách tắc giao thông tại những trục đường huyết mạch của Hà Nội - Ảnh minh hoạ
Để phát triển các "thành phố trong thành phố" và triển khai quy hoạch 5 đô thị vệ tinh theo quy hoạch trước đó (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên), Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông khung kết nối các thành phố, đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm thông qua các tuyến đường hướng tâm, đường vành đai và các cầu vượt sông.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng 10 cầu vượt sông Hồng gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Với đường sắt đô thị, thành phố sẽ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, đoạn trên cao vào cuối năm 2022; khởi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc (do thành phố đầu tư).
Thành phố cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại, làm cơ sở khởi công trong giai đoạn 2025-2030.
Ngoài ra, Hà Nội đang đề xuất, quy hoạch xây dựng sân bay thứ hai ở phía Nam thông sang Hà Nam để tận dụng phát triển lợi thế hiện nay của các huyện Phú Xuyên, Thường Tín thành trung tâm trung chuyển, logistics, dịch vụ...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận