Tài chính

Hạ tầng giao thông dẫn “đại bàng làm tổ”

01/09/2024, 10:00

Hạ tầng giao thông có vai trò quyết định đến sự hấp dẫn của môi trường đầu tư. Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chỉ khi có hạ tầng giao thông tốt, Việt Nam mới đón được nhiều "đại bàng đến làm tổ".

Cạnh tranh ngày càng gay gắt

Bối cảnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam hiện nay đã thay đổi thế nào, thưa ông?

Hiện cạnh tranh thu hút đầu tư FDI giữa các nước ngày càng gay gắt với tiêu chí ngặt nghèo. Nhiều nước đã có những chính sách rất cụ thể để thúc đẩy đầu tư vào những lĩnh vực mà chúng ta cũng đang mong muốn thu hút.

Hạ tầng giao thông dẫn “đại bàng làm tổ”- Ảnh 1.

TS Nguyễn Anh Tuấn.

Theo Nghị quyết 50 năm 2019 của Bộ Chính trị, định hướng thu hút FDI vào Việt Nam là những lĩnh vực công nghệ cao, các dự án thân thiện với môi trường. Đây là định hướng rất quan trọng, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng.

Bộ Tài chính đang được giao xây dựng nghị định chi tiết quy định về đánh thuế với các doanh nghiệp bị điều chỉnh theo OECD. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng dự thảo nghị định về thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư. Đây là những vấn đề mới và phức tạp. Tuy nhiên, cần đẩy nhanh để giữ chân các nhà đầu tư lớn, thu hút thêm các dự án lớn.

TS Nguyễn Anh Tuấn

Thời gian qua không ít tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhưng không hoặc chưa lựa chọn Việt Nam. Theo ông, lý do là gì?

Hiện, chúng ta còn một số vấn đề cần giải quyết. Nổi bật nhất là về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) mà Việt Nam đã tham gia. Ở sân chơi này, các ưu đãi về thuế dành cho các dự án có thể sẽ bị triệt tiêu.

Ví dụ, hiện ở Việt Nam chúng ta thường thấy một số dự án được áp dụng miễn thuế trong một số năm đầu, giảm 50% trong một số năm tiếp theo, với mức rất thấp, có thể 10 - 13% cho cả đời dự án. Nhưng khi tham gia vào thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam buộc phải chơi theo luật chung của thế giới.

Theo đó, mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp phải được nâng lên tối thiểu 15% đối với các dự án của doanh nghiệp có tổng doanh thu hàng năm trên 750 triệu euro (tính theo phương pháp hợp nhất).

Điều này tác động trực tiếp tới các dự án FDI vào Việt Nam có quy mô lớn như SamSung, LG, Intel...

Vấn đề lớn thứ 2 là nguồn nhân lực. Hiện chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là trở ngại lớn thu hút FDI. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải đặt lên hàng đầu.

Việc sử dụng nguồn năng lượng sạch cũng được quan tâm. Nhà đầu tư ngành công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn không sử dụng năng lượng hóa thạch như các nhà máy nhiệt điện.

Hạ tầng quyết định sức hút FDI

Thực tế, thu hút FDI chỉ mới tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh lân cận. Theo ông, cần làm gì để nắn dòng FDI lan tỏa ra các địa phương khác? 

Việt Nam đã có chính sách thu hút đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, với những ưu đãi đặc biệt. 

Hạ tầng giao thông dẫn “đại bàng làm tổ”- Ảnh 2.

Việc phát triển nhanh hệ thống đường cao tốc những năm gần đây đã tạo sức hút mới cho FDI vào Việt Nam.

Nhưng cần hiểu, điều đó chỉ có thể thu hút được một số dự án nhỏ lẻ. Còn để thu hút dòng vốn FDI quy mô lớn hơn, đòi hỏi phải đồng bộ hơn. Trước hết là kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Việt Nam đã có bước tiến rất đáng khích lệ bằng việc phát triển hệ thống cao tốc, đặc biệt 5 năm qua. 

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vươn đến địa bàn mới, rút ngắn khoảng cách giữa các trung tâm đô thị với các tỉnh thành khác. Đây là yếu tố mang tính quyết định, vì không ai muốn sản xuất hàng hóa mà chi phí logistics quá cao, giao hàng chậm trễ và đi lại không thuận lợi.

Cơ sở nào để ông tin tưởng như vậy? 

Việc hình thành trục cao tốc Bắc - Nam và các tuyến đường nối với cao tốc sẽ tạo thuận lợi rất nhiều để kết nối các vùng, đây là điểm mạnh thu hút FDI trong thời gian tới.

Thực tế, sự phát triển của Trung Quốc bắt đầu từ vùng duyên hải. Vì đây là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi hơn, đặc biệt là về kết cấu hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường sá.

Việt Nam cũng tương tự. Làn sóng đầu tư lớn nhất vào Việt Nam ở giai đoạn đầu tiên là năm 1991 - 1996. Làn sóng FDI đổ vào TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… nhờ lợi thế sân bay, gần cảng biển. Cũng nhờ những lợi thế hạ tầng, làn sóng đầu tư đầu tiên đổ vào Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc với những tên tuổi như Toyota, Honda.

Làn sóng thứ hai, khi quỹ đất đai trở nên khan hiếm hơn thì FDI lan tỏa sang vùng tiếp theo. Gần đây là làn sóng đầu tư vào Bắc Ninh, Thái Nguyên với dự án của Samsung. Hiện Bắc Giang trở thành địa bàn hấp dẫn với các dự án lớn.

Ở phía Nam, ngoài Bình Dương, Đồng Nai thì FDI cũng đang tỏa về các tỉnh khác, như Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có những khu công nghiệp hàng nghìn hecta, có cảng biển.

Chúng ta vẫn luôn trăn trở về việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, làm sao để doanh nghiệp Việt thoát "phận" gia công trong mối liên kết này, thưa ông?

Rất cần có những quy định mới cụ thể hơn để thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Nhưng giải pháp lớn nhất là phải hỗ trợ doanh nghiệp Việt lớn lên, mạnh lên cả về công nghệ.

Ví dụ, để sản xuất một chiếc điện thoại, cần phải có vỏ bao, pin… thì Việt Nam sẽ tham gia vào quy trình nào trong một loạt các linh kiện này? Mà để doanh nghiệp làm được, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, chứ mình họ tự bơi sẽ rất khó.

Theo ông, cách hỗ trợ nên như thế nào để thực chất và hiệu quả?

Hiện những doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vay vốn rất khó khăn. Họ cần được tiếp cận nguồn vốn một cách bình đẳng và thuận lợi hơn. 

Về mặt chính sách, cần có những quy định yêu cầu các nhà đầu tư FDI ưu tiên sử dụng các sản phẩm nội địa khi các sản phẩm đó đáp ứng đủ điều kiện về kỹ thuật. Điều này rất tế nhị. Nó sẽ tùy thuộc vào tài nghệ của những người làm chính sách. Khó nhưng không phải không làm được.

Vấn đề quan trọng nhất, theo tôi phải tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ hoạch định chính sách tại các phòng chức năng của bộ máy Nhà nước. "Một người lo bằng kho người làm". Một chính sách tốt có thể tạo ra động lực và ngược lại, chính sách không phù hợp sẽ làm chậm quá trình phát triển.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.