Cảnh đường sá ngập lụt tại Thủ đô Jakarta, Indonesia |
Đi 5 cây số mất một giờ
Giờ cao điểm, hình ảnh những chiếc ô tô chen chúc trên đường phố Jakarta không còn xa lạ với người dân Indonesia. Thậm chí, theo Muhammed, một tài xế taxi thì thường xuyên anh phải mất cả tiếng đồng hồ mới tiến được 1km. “Hệ thống giao thông công cộng thành phố này luôn quá tải và chỉ vận hành tại các tuyến chính. Tình trạng này tồn tại ở Jakarta suốt hơn 20 năm qua”, Muhammed nói.
Ngân hàng Thế giới (WB) cùng Bộ Kế hoạch và Phát triển Indonesia vừa xây dựng đề án bồi dưỡng cho các quan chức về “quy hoạch có trách nhiệm và thực hành hiệu quả” với mục đích “nâng cao khả năng lập kế hoạch và năng lực quản lý để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng đô thị lớn tại địa phương”. |
Kết quả nghiên cứu của Công ty Tư vấn kinh doanh Credo, có trụ sở tại London, Anh thực hiện cho thấy, cư dân tại khu vực Vịnh Marina ở Jakarta hàng năm phải chi tới 23,5% thu nhập bình quân cho việc đi lại. Trong khi tỷ lệ hợp lý nhất chỉ khoảng 10%. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, tình trạng ùn tắc ngày càng tồi tệ cùng với nạn lụt lội thường xuyên diễn ra là nguyên nhân dẫn tới sự thiếu hiệu quả này.
Cùng với phát triển kinh tế, xe cá nhân liên tục gia tăng (từ 10-12% /năm), trong khi cơ sở hạ tầng yếu kém, không theo kịp số lượng đã khiến giao thông Jakarta trở thành “cơn ác mộng”. Hạ tầng giao thông mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Các chuyến đi ngắn khoảng 5km trong giờ cao điểm có thể mất tới ít nhất một giờ hoặc hơn. Điều này khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, “sự thuận lợi trong kinh doanh” của Indonesia có tỷ lệ thấp thứ hai trong khu vực.
Shannon Smith, nhà tư vấn thị trường người Australia làm việc tại Jakarta 20 năm qua cho biết, công việc kinh doanh bị hạn chế khá nhiều do thiếu tính lưu động. Giới doanh nghiệp phải đối phó với tình trạng này nhiều năm. Nhiều công ty phải mở các “văn phòng di động” bằng cách trang bị ô tô có kết nối internet và có đủ không gian để tổ chức các cuộc họp.
Giao thông tệ nhất khu vực
Báo cáo của IMF công bố năm 2013 đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng tại Jakarta tồi tệ nhất trong khu vực và tình hình sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, bởi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông giờ cao điểm sẽ tăng từ 1,5 triệu lên 2,5 triệu xe vào năm 2030.
Chính quyền Jakarta bước đầu giải quyết tình trạng “nhức nhối” này bằng một dự án đường sắt cao tốc trên cao. Dự án này được khởi công trong năm 2013 và nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ GTVT Indonesia. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng đưa ra một số biện pháp nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nhưng những sáng kiến này đã trở nên không hiệu quả khi chính sách trợ giá nhiên liệu cùng các ưu đãi về thuế cho người mua xe mới vẫn tiếp tục được thực hiện.
Ngoài ách tắc giao thông, ngập lụt cũng là vấn đề nan giải. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, hơn 60.000 người phải rời bỏ nhà cửa và ít nhất 11 người đã thiệt mạng khi tham gia giao thông do lũ lụt. Trước mắt, nhằm khắc phục tình trạng lụt lội, giới chức Jakarta dỡ bỏ các khu nhà ổ chuột - được cho là nguyên nhân chính khiến hệ thống cấp thoát nước hoạt động không hiệu quả; Xây dựng 2.000 giếng hút nước nhằm giảm lượng nước tù đọng tại các khu vực bị ngập lụt, từ đó cải thiện hoạt động giao thông.
Nếu hệ thống giao thông được nâng cấp lên đạt chuẩn thế giới, Jakarta có thể hưởng lợi kinh tế tới 8,9 tỷ USD/năm vào năm 2030. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, Chính phủ, đặc biệt là chính quyền Jakarta cần tăng ngân sách cho lĩnh vực giao thông. Hiện chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tại Indonesia ở mức dưới 5% GDP, chỉ bằng hơn một nửa so với mức 9,2% năm 1995. Chính sách này được kỳ vọng là sẽ thay đổi sau cuộc bầu cử mà cựu thống đốc Jakarta vừa đắc cử hồi tháng 7/2014 vừa rồi.
Thùy Linh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận